Viêm tai giữa cấp thường chia làm ba giai đoạn: giai đoạn xung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ. Tùy vào từng giai đoạn mà sẽ có cách điều trị khác nhau. Khoảng 2/3 số trường hợp viêm tai giữa cấp là do vi khuẩn gây ra, thường gặp nhất là phế cầu.
Điều trị bệnh viêm tai giữa qua từng giai đoạn
Trong những giai đoạn sớm sẽ không cần dùng kháng sinh. Các bác sĩ có thể điều trị các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, ngạt mũi bằng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau. Có thể mất từ 5 đến 7 ngày điều trị. Nếu màng nhĩ không có dấu hiệu bị thủng thì sẽ dùng thuốc nhỏ tai, không nên bơm rửa.
Nếu màng nhĩ thủng có thể nhỏ tai trong 3 – 4 ngày đầu (loại không độc cho tai) để ngăn chặn sự hình thành các bửng mủ làm bít dẫn lưu rồi sau đó rửa bằng nước muối sinh lý hoặc oxy già. Ngoài ra có thể thông vòi, bơm thuốc vòi nhĩ.
Còn nếu tình trạng đã nhiễm trùng thì phải dùng kháng sinh sớm và đúng liều lương để ngăn cản quá trình viêm tiếp diễn. Một quá trình điều trị bằng kháng sinh có thể kéo dài từ 10 đến 14 ngày.
Một số trường hợp viêm tai nhưng trị kháng sinh không hiệu quả sẽ phải chích rạch màng nhĩ để đặt ống thông nhĩ. Nếu kèm với dấu hiệu viêm đường hô hấp trên do tắc nghẽn bởi viêm Amidan phì đại thì cần nạo viêm Amidan. Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng xuất hiện các biến chứng nặng hơn và điều trị nội khoa không mang lại kết quả khả quan, có thể cần đến phẫu thuật hòm nhĩ, khoét xương chũm.
Lời khuyên cho các cha mẹ
Tóm lại, khi có những triệu chứng lâm sàng biểu hiện rõ dấu hiệu của bệnh, cha mẹ cần chăm sóc bé bị viêm tai giữa đúng cách và đưa bé tới cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và theo dõi kỹ càng, điều trị triệt để được bệnh viêm tai giữa. Bệnh viêm tai giữa thường mang lại cảm giác đau đớn và trong một số trường hợp, có thể gây mất thính lực, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và kết quả học tập ở trẻ.