Giống như nhiều người mẹ khác, cô Molly DeFrank, một blogger người California, từng cảm thấy vô cùng lo lắng khi những đứa trẻ của mình mê mẩn tivi, điện thoại, iPad…
Mặc dù tìm cách giới hạn thời gian sử dụng thiết bị dưới một giờ đồng hồ mỗi ngày cho lũ trẻ, cô vẫn cảm thấy các con trở nên kém sáng tạo, dễ cáu bẳn khi nghiện thiết bị công nghệ.
Bà mẹ 5 con tâm sự: “Một ngày nọ, khi tôi trở về nhà sau giờ làm việc, đứa con học mẫu giáo của tôi đứng chờ sẵn ở cửa và chào đón mẹ với câu hỏi: Con có thể chơi điện thoại di động của mẹ được không? Đó là lúc mà tôi quyết định phải thay đổi”.
Molly và chồng bắt đầu lập ra một kế hoạch để những đứa trẻ đều dưới 10 tuổi, rời xa màn hình trong vòng một tháng. Vào buổi tối, trong bữa ăn, khi Molly DeFrank chia sẻ ý định này, lũ trẻ đã gào thét và khóc nhè. Nhưng họ không thay đổi kế hoạch.
Những gì xảy ra trong các tuần sau đó khiến Molly DeFrank bất ngờ: “Điều đó giống như bạn nhấn nút F5 cho lũ trẻ. Chúng trở nên ngoan ngoãn hơn, hiếm khi mất bình tĩnh, sẵn sàng chơi cùng nhau, sáng tạo hơn khi vui chơi”.
Molly DeFrank thừa nhận rằng ban đầu cô lo lắng rằng sự vắng mặt của “người giữ trẻ công nghệ” có thể khiến cô vất vả hơn, nhưng việc cai nghiện Internet dễ dàng và giá trị hơn cô tưởng. Trải nghiệm cai nghiện kéo dài 30 ngày đã trở thành một cuộc đại tu lớn trong lối sống của gia đình, giúp cuộc sống của cả nhà tốt đẹp hơn.
Trên trang cá nhân, Molly DeFrank chia sẻ về kết quả sau kỳ “cai nghiện” của lũ trẻ: “Vào ngày thứ 7 trong kế hoạch một tháng xa màn hình, các con tôi thức dậy, chúng thấy vợ chồng tôi đang cùng nhau đọc sách trên giường. Chúng cũng lấy cuốn sách của mình và đọc cùng bố mẹ. Khi đến nhà hàng, chúng cầm theo cuốn sách thay vì iPad mà chúng từng giữ khư khư bên mình. Một trong những con gái của tôi đã cải thiện trình độ đọc một cách nhanh chóng”. Sự thay đổi của các con nhà Molly DeFrank được thể hiện rõ rệt.
Từ trải nghiệm của bản thân, Molly DeFrank chia sẻ các bước để các bà mẹ thực hiện nhằm giúp con “cai nghiện” các thiết bị công nghệ.
Bước đầu tiên chính là chỉ định một khoảng thời gian cụ thể để trẻ tránh xa màn hình. Sau đó, bạn quan sát kết quả và lên kế hoạch phù hợp nhất cho trẻ. Bạn hướng trẻ đến những thói quen mới, trò chơi mới và theo dõi những hoạt động mà chúng thích. Sau cùng, chính là lập ra một kế hoạch dài hạn phù hợp với cả gia đình.
Cô Molly nhận định: “Công nghệ là một phần quan trọng trong thế giới hiện đại, nhưng nó cũng có thể trở thành một trở ngại trong việc xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa bạn và những người yêu thương”.
Elizabeth Donner, bác sĩ thuộc Bệnh viện Trẻ em San Antonio, Mỹ đưa ra thông tin: “Trong thời thơ ấu, trẻ càng ít tiếp xúc với màn hình thiết bị công nghệ thì tỷ lệ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) càng thấp”.