Đối với nhiều cha mẹ, đánh đòn được xem như cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để thay đổi hành vi của trẻ. Nhưng các nghiên cứu cho thấy hình phạt về thể xác để lại hậu quả lâu dài đối với trẻ em. Phương pháp dạy con không đòn roi thì ngược lại. Dù mất nhiều thời gian hơn nhưng lại rèn luyện các tính cách của con trong giới hạn và sự kiên trì.
Tôn trọng và lắng nghe cảm xúc của trẻ
Khi trẻ không vâng lời, làm sai điều gì, bạn không nên vội vàng quy chụp và đổ hết lỗi cho trẻ. Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Vì vậy, bạn cần chờ đúng thời điểm để chia sẻ, lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của trẻ trước khi trách móc, la mắng. Khi bé đã cảm thấy ổn hơn, gần lại với bạn hơn, bé sẽ cởi mở đón nhận sự hướng dẫn của bạn.
Thể hiện sự đồng cảm
Chìa khóa cho việc nuôi dạy con không đòn roi là đặt mối quan hệ dựa trên tình yêu, sự ấm áp và tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải là những quyền lực mà cha mẹ bắt buộc con phải tuân theo. Để sự ấm áp và tình yêu được truyền tải, bố mẹ phải luôn hiện diện và đồng cảm với trẻ, hay nói cách khác, là luôn tạo ra không khí hòa bình. Cách sử dụng những từ mang sắc thái đồng ý như “có”, “phải rồi” sẽ khiến bé cảm thấy được khuyến khích nhiều hơn.
Điều chỉnh cảm xúc của mình
Khi đối mặt với những rắc rối do con cái gây ra, cha mẹ cũng phải biết kiềm chế, giữ bình tĩnh, và suy nghĩ tỉnh táo. Cha mẹ có thể có những thói quen xấu hay những cư xử chưa đúng mực, nhưng bên cạnh những đứa trẻ, bạn nên nhẫn nại và hạn chế mọi điểm xấu để không ảnh hưởng đến thói quen và nhân cách của trẻ sau này.
Dù cho có lúc rất bực tức thì cha mẹ cũng cần tự hỏi: “Liệu con có sai không?”; “Mình sai ở chỗ nào”… Qua tấm gương của bạn, bé cũng sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc của chính mình. Nếu như không kiềm chế được mà đánh con thì sẽ dẫn tới thất bại trong việc giáo dục con cái.
Khuyến khích trẻ động não tìm ra giải pháp
Nhiều bậc mẹ đã quen quyết định, giúp con mình chọn lựa vì tin rằng điều đó tốt cho con của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần hiểu rằng con mình cũng có những suy nghĩ riêng, những hướng giải quyết riêng và trẻ cũng tin rằng điều đó là tốt nhất với chúng. Hãy giúp trẻ viết ra những ý kiến, giải pháp để cả hai cùng lựa chọn. Phụ huynh nên nhớ rằng trẻ đang trong quá trình hoàn thiện chính vì vậy không nên bình luận, chê bai giải pháp của trẻ. Làm như vậy trẻ sẽ nản chí và không muốn bàn luận thêm.
Khen ngợi và không chỉ trích lỗi lầm của con
Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ nên dành lời khen cho những hành động cụ thể như “Con tự mặc quần áo thật cừ”, “Ai tự ăn cơm giỏi thế nhỉ”. Nếu khen con kèm với hành động cụ thể, trẻ sẽ nỗ lực hoàn thành tốt mọi việc trong lần sau.
Ngày nay, cha mẹ hay đặt quá nhiều kỳ vọng vào những đứa trẻ. Khi chúng thất bại hoặc phạm phải sai lầm, người lớn thường chỉ trích lỗi lầm của con. Trong thực tế, ai cũng mắc phải sai lầm và việc chỉ trích không làm cho mọi chuyện tốt hơn. Do đó, cha mẹ nên tránh việc chỉ trích con.
Kết nối
Mỗi ông bố, bà mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tính cách của trẻ. Cách dạy con ngoan cũng cần có sự linh hoạt, học tập và không thể thiếu tinh thần xây dựng, kết nối. Bạn cần đặt mình vào vị trí của bé, cho bé thấy mình gần gũi đến như thế nào. Trẻ thường hành động một cách điên rồ khi chúng cảm thấy không ổn hoặc bạn xa cách chúng. Dành thời gian tìm hiểu, chia sẻ với bé mỗi ngày, mỗi khi bạn có cơ hội, đừng để con vuột xa khỏi vòng tay của bạn.
Làm cha mẹ không hề dễ. Đó là cả một quá trình khó khăn không vì chỉ nuôi con về mặt thể chất mà dưỡng con về tâm hồn. Do đó, hãy luôn giữ một “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh” trong mọi hành động và lời nói trên cương vị người làm cha làm mẹ để mang lại sự giáo dục tốt nhất cho con cái không chỉ hiện tại mà còn cho tương lai sau này của con.