Mẹ Jay nhận được rất nhiều comment của các mẹ hỏi về ăn dặm Baby led weaning, (hay còn gọi là ăn dặm tự chỉ huy) rằng ăn thô sớm có khiến bé bị đau dạ dày, có tác hại gì không, lo lắng bé bị hóc nghẹn, không đủ dinh dưỡng. Thì hôm nay mẹ Jay xin chia sẻ những kiến thức mà mình đã thu thập được và thực tế mình đã trải qua nhé.
1. Khi nào thì cho bé ăn BLW được
Thông thường bé 5-6 tháng đã có thể ngồi vững và sẵn sàng cho việc ăn dặm. Tuy nhiên, nếu bé vẫn nghiêng ngả người dù đã được chèn gối xung quanh ghế ăn thì mẹ nên chờ đến khi bé có thể vững hơn. Điều này sẽ giúp bé bị tránh hiện tượng nghẹn, hóc khi ăn. Mẹ Jay áp dụng cho bé ăn dặm kiểu Nhật lúc mới bắt đầu 5 tháng rưỡi, khi bé chưa tự ngồi vững được. Và đến khi bé đã tự ngồi thẳng được khoảng 7 tháng thì chuyển sang cho bé ăn dặm BLW.
2. Làm sao cho bé hứng thú với đồ ăn
Mẹ có thể chọn thời điểm bé tỉnh táo nhất (cách bữa sữa chính tầm 1 tiếng và thời điểm cả nhà cùng ăn uống sum vầy) để bé hứng thú với chuyện ăn uống. Đến bữa ăn, mẹ Jay chuẩn bị cho bé 1 khay đồ riêng, ngồi cùng bàn với mọi người trong gia đình, để bé có thể quan sát cách mọi người ăn uống, nghe những lời động viên từ mọi thành viên.
Khi bắt đầu thì mẹ giúp bé cầm đồ ăn, nói với bé về món ăn, hướng dẫn cách cắn với tông giọng vui vẻ, khuyến khích bé thử. Mẹ thể hiện thái độ hào hứng với đồ ăn cũng khiến bé tò mò muốn thử hơn. Dần dần bé sẽ có thái độ tốt và mong chờ đến bữa ăn để được thử các món mới.
3. Cho bé ăn tinh bột thế nào nếu ăn BLW
Mẹ Jay thấy rằng giai đoạn bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy thì chưa nên cho bé ăn cơm hạt vội, vì kết cấu cơm rời rạc, bé khó nghiền nhỏ. Nếu cần cho bé ăn cơm thì nên làm dạng cơm nắm dẻo, cắt thành thanh nhỏ. Nếu không có thể thay thế bằng bằng nguồn tinh bột khác như khoai tây luộc, bánh mì lát, mì sợi to. Jay đặc biệt rất thích nui dạng ống tròn và xoắn.
4. Ăn thô sớm có hại dạ dày
Trước tiên mình khẳng định rằng, ăn thô sớm không hề có hại cho bé, tuy nhiên cần xác định đúng thời gian cho bé bắt đầu ăn thô. Mẹ Jay cho rằng thời điểm phù hợp là khi bé có thể ngồi thẳng được, để hạn chế tối đa nguy cơ hóc nghẹn.
Bản thân mình cũng đã từng nghi hoặc y chang như vậy khi nghe đến việc cho trẻ sơ sinh tập ăn thô từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thật kỹ về BLW, mình hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào khả năng của con, dẹp bỏ mọi dư luận và kiên trì.
Bé KHÔNG CÓ RĂNG VẪN NHAI ĐƯỢC, “nhai” là hoạt động kết hợp giữa lưỡi và các cơ trong khoang miệng, lợi của bé khá cứng để có thể nghiền được thức ăn mềm.
Ăn thô KHÔNG LÀM HẠI HỆ TIÊU HÓA, hệ tiêu hóa của chúng ta tiêu hóa thức ăn nhờ dịch vị trong dạ dày, chứ không phải làm như một “máy xay sinh tố” nghiền nát thức ăn. Do đó nếu bạn cho hệ tiêu hóa làm quen với thức ăn thô sớm, thì dịch vị sẽ được tiết ra sớm hơn và hệ tiêu hóa của bé sẽ hoạt động “mạnh mẽ” hơn.
Dù thỉnh thoảng bé có đi phân sống thức ăn lổn nhổn là do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện chứ ko có gì đáng lo.
5. Ăn thô ít thế không đủ dinh dưỡng
Mẹ đừng quá lo lắng và cần tự nhủ câu nằm lòng này “Sữa là thức ăn chính vào năm đầu đời của con. Ăn dặm chỉ là cách để con luyện tập kỹ năng nhai, nuốt và cầm thìa sau này”. Vì thế nếu bé mới chỉ ăn được chút ít thì mẹ cũng đừng quá lo lắng. Dần dần, khi đạt đến kĩ năng xúc tốt thì lượng ăn của con sẽ tăng lên rất nhiều. Chỉ có điều mẹ cần phải hết sức kiên nhẫn. Mỗi bữa ăn mẹ cũng có thể thêm cho con nước hầm canh hoặc nước luộc gà để con có thêm chất.
Nếu mẹ nghĩ rằng ăn dặm bằng cháo bột con sẽ ăn lượng nhiều hơn thì không đúng, vì cháo, bột chủ yếu là nhiều nước.
6. Ăn thô dễ hóc nghẹn
Đây là câu hỏi mẹ Jay nhận được nhiều nhất và cũng là nỗi lo lắng thường trực của những ai cho con ăn theo cách này. Thực tế bé Jay ăn dặm BLW cho đến bây giờ 2 tuổi chưa từng hóc bao giờ. Các mẹ nên phân biệt hóc nghẹn là khác nhau. Jay cũng có những lần nghẹn đồ ăn, nhưng mẹ luôn bình tĩnh chờ con xử lý ọe đồ ăn ra, và tiếp tục. Trẻ ọe ra là một dấu hiệu tốt. Con đang dần biết nhai và tập hình thành những phản xạ mới. Cơ thể và não bộ của bé sẽ dần tự biết điều chỉnh để khiến trẻ nhai lâu và kỹ dần hơn qua mỗi lần ăn.
Trên thực tế, bé chỉ bị hóc nếu con ngồi không đúng tư thế (nghiêng vẹo, mẹ bế bé ăn) hay mẹ cứ cố đút cho con, cho bé ăn những loại thức ăn không phù hợp. Do đó, mẹ cần chú ý:
- Con luôn luôn phải ngồi thẳng khi ăn.
- Hãy để con tự mình đút thức ăn vào miệng.
- Không cho bé ăn các loại quả nhỏ có hạt hay các loại hạt.
- Tuyệt đối không để con một mình với thức ăn.
7 Bé chỉ chơi và vứt đồ ăn
Nếu thấy bé có hành động nghịch phá đồ ăn thì mẹ nên nghiêm túc nói chuyện với con bằng tông giọng cao hơn 1 chút, đừng hùa theo bé, nhưng cũng đừng quát mắng bé, khiến cả 2 mẹ con áp lực. Nên dạy bé biết trân trọng thức ăn, dù bây giờ bé chưa hiểu, nhưng nghe trong 1 thời gian dài bé sẽ có ấn tượng. Nếu mẹ nói mà bé vẫn ko dừng lại hành động nghịch phá đồ ăn, thì mẹ nên dọn dẹp cất đồ ăn đi, bữa sau sẽ thử lại.
8. Có thể kết hợp BLW với phương pháp khác không.
Kết hợp được nhưng mẹ phải tuân thủ nguyên tắc tách 2 phương pháp thành 2 bữa, ko được vừa đút vừa bốc sẽ khiến bé ko xử lý kịp dế gây nghẹn và hóc.
Giai đoạn đầu mẹ Jay cũng cho bé Ăn dặm truyền thống và Ăn dặm tự chỉ huy kết hợp vì mẹ đi làm sớm, buổi trưa không có thời gian cho con ăn, nên nhờ bà cho con ăn cháo. Với phương pháp nào thì bé cũng cần được ngồi ăn trong ghế nghiêm túc, không chơi đùa, xem tivi.
Mẹ Jay rất thích phương pháp ăn dặm tự chỉ huy này và hài lòng với những kết quả mà nó mang lại. Bé Jay không kén ăn món nào, thích thú với mọi thức ăn. Kỹ năng nhai, nuốt, dùng thìa dĩa thành thạo. Mỗi bữa ăn đều là khoảng thời gian vui vẻ của cả mẹ và con. Điều quan trọng khi áp dụng BLW là mẹ cần phải kiên nhẫn và nhẫn nại với con. Chúc các mẹ và các bé ăn dặm vui vẻ.