Ngày nay, cùng với ô nhiễm môi trường, những vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, tăng mức cholesterol và bệnh tim là những bệnh phổ biến và đáng sợ. Việc phát triển thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ em là điều cấp thiết và bạn cần bắt đầu ngay vì càng bắt đầu sớm, trẻ càng dễ tạo thành thói quen. Nếu bạn muốn tìm hiểu cách để có thể xây dựng và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cho con mình ngay từ bây giờ thì hãy đọc bài viết này nhé.
1. Cha mẹ nên là tấm gương. Với tư cách là cha mẹ hoặc người hướng dẫn, bạn muốn con mình có thói quen ăn uống lành mạnh thì chính bạn cũng phải làm điều tương tự. Trẻ em sao chép những gì người lớn làm, đặc biệt là những người gần gũi nhất với trẻ, như cha mẹ, ông bà. Vì vậy nếu bạn muốn con bạn ăn uống lành mạnh thì chính bạn cũng phải ăn uống lành mạnh.
2. Đối với những thực phẩm không “lành mạnh”, thỉnh thoảng hãy cho bé thử một lần. Bạn không cần phải quá nghiêm trọng và tẩy chay hoàn toàn những thực phẩm được dán nhãn “thực phẩm rác”. Bởi sự thật là tất cả chúng ta đều thích ăn những thực phẩm “rác” như thức ăn nhanh, nước uống có ga…Và thỉnh thoảng ăn hoặc uống một chút có chừng mực những đồ ăn thức uống này thì sẽ có lợi chứ không có hại đâu.
3. Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày – hãy đảm bảo rằng bạn đã cho con mình biết điều này. Trẻ em hiếu động và cần năng lượng ngay từ khi thức dậy, vì vậy bữa ăn đầu tiên trong ngày là vô cùng cần thiết. Bạn cần đảm bảo rằng con hiểu được tầm quan trọng của bữa sáng để tạo được thói quen không bỏ bữa sáng.
4. Đừng nhận xét về thói quen ăn uống của con một cách vội vàng. Dù trẻ có không thích ăn một vài món thì cũng đừng vội gán cho trẻ cái mác “kén ăn” vì nó thực sự không cần thiết. Khi bạn kể với người khác về chuyện ăn uống của con, như là “nó ghét rau” trước mặt trẻ, vô hình chúng cũng sẽ có suy nghĩ là mình thật sự “rất ghét rau, không thể ăn rau, rau rất tệ”… Từ đó trẻ sẽ tạo ra tâm lý chán ghét và bài xích một vài món ăn tốt.
5. Màu sắc và hình dạng mê hoặc trẻ. Đúng vậy, nên các bà mẹ thông thái hãy cố gắng kết hợp việc trang trí vào những món ăn lành mạnh của mình. Cắt rau củ theo các hình dạng khác nhau, sắp xếp chúng thành những hình thù ngộ nghĩnh, nắm cơm thành hình các con vật, xe ô tô theo sở thích của trẻ. Tuy mất thời gian 1 chút nhưng đổi lại được niềm vui thích của trẻ với một bữa ăn lành mạnh.
6. Đảm bảo rằng bạn cung cấp đủ lượng thực phẩm chứa chất xơ trong chế độ ăn uống của con. Rất nhiều trẻ em bị táo bón và các vấn đề khác về đường ruột. Để ngăn chặn và giải quyết tình trạng này ở trẻ hãy cho con ăn nhiều trái cây như chuối, táo, cam…và các loại rau củ như cà rốt, bông cải xanh, đậu. Yến mạch cũng là một nguồn chất xơ tuyệt vời.
7. Hãy cho trẻ tham gia vào quá trình nấu ăn. Hãy cho trẻ cơ hội được tìm hiểu về quá trình làm ra những thực phẩm mà trẻ ăn. Gọi trẻ vào bếp để trẻ quan sát bạn nấu ăn, hoặc nhờ trẻ giúp một vài công đoạn đơn giản như giặt rau, quấy trứng. Việc này sẽ khiến trẻ có ý thức làm việc đồng thời cũng trân trọng thành quả lao động của mình, từ đó ăn uống tốt hơn.
8. Đảm bảo bữa ăn của gia đình bạn diễn ra vào thời điểm thích hợp và duy trì một cách nhất quán. Trẻ cần được dạy về tầm quan trọng của việc ăn uống đúng giờ – Thói quen này cần tạo từ sớm để trẻ duy trì nó trong suốt những năm tháng sau này.
9. Trẻ cần biết mình đang ăn gì và lợi ích của nó. Hãy cho trẻ được biết về tầm quan trọng của Protein, chất béo, chất xơ, vitamin… để trẻ có ý thức về việc ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng, để có cơ thể khỏe mạnh.
10. Đảm bảo con bạn ăn uống nghiêm túc trong mỗi bữa ăn. Thái độ ăn uống còn quan trọng hơn nhiều số lượng thức ăn mà trẻ ăn vào. Hầu hết trẻ em ngày nay đều dán mắt vào tivi hay các thiết bị điện tử trong khi ăn. Đây là một thói quen không tốt. Vì các nghiên cứu cho thấy rằng điều này có thể dẫn đến béo phì, vì não không theo dõi những gì bạn đang ăn. Và điều quan trọng là bố mẹ cũng cần làm gương cho con trong bữa ăn.
11. Hãy cho trẻ vận động thể chất hàng ngày để giúp trẻ tạo cảm giác thèm ăn, và giúp ích cho sự tăng trường và phát triển của trẻ.
12. Hãy đọc nhãn trên thực phẩm bạn mua và yêu cầu trẻ làm cùng. Điều này sẽ giúp cho cả gia đình bạn có ý thức về những gì mình ăn vào. Biết và hiểu về lượng calo và các chất dinh dưỡng khác trong thực phẩm mà mình tiêu thụ. Những điều này sẽ giúp bạn theo dõi sức khỏe và kiểm soát được nó.
13. Nếu có điều kiện bạn hãy cho trẻ cùng tham gia làm vườn. Chỉ một vài thùng xốp đơn giản để trồng vài cây rau ngoài ban công, trước hiên nhà. Trẻ sẽ thích ăn những rau củ quả mà mình đã trồng và chăm sóc.
14. Mua những thực phẩm lành mạnh, chuẩn bị sẵn sàng nó trong tủ lạnh hoặc nơi nào đó trẻ dễ lấy. Để khi chúng đói có thể ăn ngay được những đồ ăn lành mạnh, như trái cây, rau củ, bánh ngũ cốc.
15. Đừng dùng những biện pháp tiêu cực để ép trẻ ăn những gì mà chúng không thích. Và cũng đừng bỏ cuộc. Dù con bạn có “kén ăn” nhưng chỉ cần bạn kiên nhẫn, chúng sẽ thay đổi.
Thói quen ăn uống lành mạnh sẽ theo con bạn suốt cuộc đời. Việc xây dựng và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Nếu các bố mẹ có những mẹo hay khác, thì hãy để lại bình luận bên dưới cho mọi người cùng tham khảo nhé.