Home > Em Bé > Ăn Uống > Tuyệt chiêu để trẻ tập trung vào bữa ăn

Tuyệt chiêu để trẻ tập trung vào bữa ăn

Tuyệt chiêu để trẻ tập trung vào bữa ăn

Jay có những ngày ăn uống không tập trung vào bữa ăn. Có những bữa ăn kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Làm cho sau khi ăn xong, dọn dẹp thì cũng hết cả buổi tối. Vậy làm sao để trẻ ngồi yên, tập trung trong bữa ăn, tự giác ăn uống?

Mình đã rút ra được những mẹo và quy tắc dưới đây và kiên trì áp dụng để rèn luyện cho bé Jay được thói quen tập trung, chủ động trong ăn uống. Hãy lưu ý  là các quy tắc cần thống nhất, có sự nhất quán từ mọi người trong gia đình, vậy thì dần dần trẻ sẽ hiểu và có thói quen tốt trong bữa ăn.

1. Hãy để bé đói

Các bữa ăn cách nhau 2,5 – 3 tiếng, và không ăn vặt giữa các bữa ăn, trừ uống nước lọc. Điều này rất quan trọng vì khi đó trẻ mới đói và muốn ăn. Vậy nên khi vào bữa ăn trẻ sẽ vui vẻ tập trung hơn vào việc ăn thức ăn của mình.

Bình thường Jay ở lớp ăn bữa phụ chiều vào 4 giờ, thì bữa tối của con bắt đầu vào lúc 6h30. Đủ thời gian để bé có thể tiêu hao bớt năng lượng và có nhu cầu nạp thêm. Khi con đi học về mình sẽ không cho bé ăn thêm bất cứ món gì cả, kể cả uống nước hoa quả hay ăn kẹo bánh. Mình để con tự chơi và chờ cho đến giờ ăn. tốt nhất là cho trẻ chơi những trò chơi vận động để nhanh đói hơn.

2. Cho con tham gia nấu hoặc chuẩn bị bàn ăn

Mình nhận ra điều này sau một vài lần cho Jay đứng bên cạnh nghịch ngợm khi nấu ăn. Mình cho Jay cùng nhặt rau, đập trứng, đánh trứng để làm món trứng rán. Sau đó con đã rất háo hức để thưởng thức món ăn mà mình góp công nấu. Và đến khi thức ăn được bày ra thì bé ăn sạch món trứng rán hôm ấy luôn.

Trẻ con rất thích được bắt chước người lớn và cảm giác mình là người có ích, tự hào về những nhiệm vụ mình đã đạt được. Nên cách này thực sự rất hữu ích để trẻ có thể ngồi nghiêm túc ở bàn ăn lâu hơn. Các bố mẹ hãy thử xem sao. Chỉ cần cho bé tham gia một khâu nho nhỏ trong khi nấu ăn thôi cũng được rồi. Việc của bố mẹ là hãy khen ngợi bé về món ăn, hỏi bé về cách món ăn được thực hiện. Nó sẽ khiến cho bữa cơm thú vị và có nhiều chuyện để nói với nhau hơn.

Cho trẻ tham gia vào việc nấu ăn

3. Người lớn nên chấp hành nghiêm túc

Cha mẹ cần làm gương cho con. Trong bữa ăn hãy hạn chế tối đa việc rời khỏi bàn ăn. Do đó hãy cố gắng chuẩn bị mọi thứ đầy đù cho bữa ăn, mà không phải đứng dậy để nấu nướng hay lấy cái nọ cái kia. Mình thấy rằng mỗi lần mình đứng dậy ra khỏi bàn là bé Jay lại ngọ nguậy, mất tập trung vào bữa ăn theo. Đừng quên lấy sẵn 1 cốc nước dành cho bé, để bạn không mất công đi lấy nước và làm gián đoạn bữa ăn của cả nhà.

Nếu bữa ăn nào mẹ cũng chạy đi chạy lại thì sẽ khiến bé mất tập trung. Việc mẹ ngồi cùng bên cạnh suốt bữa ăn là điều rất quan trọng để dạy bé “khi ăn thì ngồi một chỗ”.

4. Bữa ăn không kéo dài quá 30 phút.

Để bé tập trung vào bữa ăn thì mẹ nên nhớ nguyên tắc về thời gian: không nên cho bé ăn bữa chính kéo dài quá 30 phút và bữa phụ kéo dài quá 20 phút. Việc kéo dài thời gian cũng là yếu tố khiến bé khó tập trung vào bữa ăn hơn. Nếu bé ăn hơn 30 phút hãy dừng bữa ăn, không nài ép, cố cho bé ăn thêm vài miếng.

Thực tế bố mẹ cần phải hiểu là trẻ khoảng 3 tuổi, không thể ngồi im một chỗ trong 1 khoảng thời gian quá lâu. Bé cũng không thể chỉ chăm chăm vào việc nhai và nuốt. Trẻ cần được tham gia vào bữa ăn. Đó là việc bố mẹ nói chuyện với con về lớp học, về chủ đề ô tô hay bất cứ chủ đề yêu thích nào của bé. Để giúp bé ngồi lâu hơn trên ghế ăn.

5. Không để đồ chơi, tivi, điện thoại trong tầm mắt trẻ

Tương tự như việc xem tivi, thì việc cho trẻ nghịch điện thoại hay đồ chơi trong bữa ăn cũng là điều không nên, vì cũng khiến trẻ mất tập trung trong ăn uống. Trẻ thường mải chơi, mải vui mà quên đi mất việc chính trong bữa ăn là cảm nhận mùi vị của thức ăn, thưởng thức các món với sự hào hứng, ngon miệng. Cùng đưa ra những quy tắc trên bàn ăn như “khi ăn thì không nghịch đồ chơi, không xem tivi” để trẻ hiểu.

Với mẹo này thì bố mẹ cần phải nghiêm túc tuân thủ và thực hiện theo để làm gương cho trẻ.

6. Cho bé ăn theo nhu cầu của bé

Ba mẹ hãy để trẻ tự quyết định lượng ăn của mình, như vậy trẻ sẽ ở trong tâm thế chủ động với bữa ăn của mình, hào hứng, tập trung ăn uống hơn. Ba mẹ cứ tưởng tưởng, nếu người lớn chúng ta bị nài ép ăn dù đã no hoặc không muốn ăn thì có khó chịu, cáu kỉnh không, có còn thấy món ăn đó ngon không… Trẻ cũng như vậy. Hãy để trẻ ăn theo nhu cầu của bé một cách vui vẻ, thoải mái.

Cho bé ăn đủ không ép

Và bố mẹ cũng nên nhớ là trẻ cũng sẽ có thời điểm “khó ở” trong người. Nên sẽ có ngày bé ăn nhiều và có ngày bé không muốn ăn. Hãy quan sát con và nếu cảm thấy bé không có nhu cầu ăn thì nên dừng bữa ăn. Tránh nài ép khiến cả mẹ và con đều thấy áp lực.

Đối với bản thân mình, mình luôn thẳng thắn nói với con trước mỗi bữa ăn. Con hãy ăn bao nhiêu tùy con, nhưng mẹ sẽ rất vui nếu con ngồi ăn ngoan và tập trung  nhé! Nếu bé nói con no rồi, thì mình sẽ không cố nài ép nữa.

Và để tránh tình trạng để thừa thức ăn khi bé không muốn ăn nữa, thì cơm mình lấy ít một cho con. Nếu hết mà bé vẫn còn muốn ăn nữa thì lấy thêm. Còn thức ăn thì để con ăn bao nhiêu con tự gắp vào bát. Và yêu cầu bé phải ăn hết thức ăn mà con  tự lấy vào bát.

7. Chế biến các món ăn đẹp mắt hấp dẫn trẻ

Một điều rất quan trọng nữa là muốn bé tập trung vào bữa ăn thì bữa ăn đó phải đủ sức hấp dẫn trẻ, cũng như thu hút được sự chú ý của trẻ. Bố mẹ cứ nghĩ xem, nếu món ăn mà dở và nhàm chán thì trẻ sẽ ăn không ngon miệng, không hào hứng, và tất nhiên là trẻ không tập trung vào bữa ăn được. Chính vì thế, mẹ hãy đa dạng thực đơn và thường xuyên đổi món cho bé.

Trang trí món ăn thu hút

Thêm nữa, trẻ con rất thích cách trình bày đẹp mắt, ba mẹ có thể bỏ thêm chút thời gian biến những món ăn hình thức đơn điệu trở nên nhiều màu sắc, hình khối hơn chẳng hạn như các loại rau xanh, xào lẫn màu đỏ của cà chua, màu vàng của cà rốt, hay làm hình mặt trời, bông hoa, ô tô, cây nấm, hình các con vật… Mỗi món ăn như một thế giới hiện ra trước mắt, trẻ sẽ bị hút vào bữa ăn mà không cần đồ chơi xung quanh, không cần xem tivi điện thoại, ipad…

8. Kiên định và kiên trì

Có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu khi bạn bắt đầu thực hiện những thay đổi này trong nhà của mình. Điều quan trọng nhất để rèn cho bé những thói quen tốt và  tính tự giác trong ăn uống đấy là sự kiên nhẫn, mềm mỏng. Mình luôn luôn nhắc nhở bản thân rằng quát tháo, hay ra lệnh đều không có tác dụng thực sự hiệu quả. Bạn càng kiên trì và nhất quán, bạn sẽ thấy thành công càng nhanh.

Bạn cũng có thể thích
sot xuat huyet
Những dấu hiệu và lưu ý khi trẻ bị sốt xuất huyết
van de tam ly
Trẻ em ngày xưa bị đánh đòn, la mắng vẫn ít gặp vấn đề tâm lý, tại sao?
day le phep
Cách đơn giản để dạy trẻ lễ phép
Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết ở trẻ

Bình luận