Việc trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết về an toàn giao thông không những giúp các con giữ mình an toàn khi lưu thông trên đường, mà còn tạo cho trẻ tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Nhằm giúp bố mẹ có thêm những cách hay thú vị để dạy con về an toàn giao thông, bài viết này sẽ cung cấp một số mẹo dạy con khiến những bài học về an toàn giao thông trở nên thực tế và vui nhộn hơn, giúp trẻ dễ tiếp thu và ghi nhớ.
Cần giải thích cho bé
Bố mẹ cần giải thích dễ hiểu cho bé việc phải chấp hành luật lệ giao thông khi đi trên đường, để bé có ý thức hơn khi tham gia giao thông.
Bắt đầu từ 5 tuổi, khi trẻ có thể tự đi bộ ngoài đường, bố mẹ sẽ phải dạy cho trẻ những nguy hiểm có thể đến từ những xe cộ đang tham gia giao thông. Hãy cho trẻ biết rằng, nếu không cẩn thận bị xe đụng, trẻ có thể bị đau, chảy máu, nặng hơn là gãy xương không thể đi chơi được. Có thể trẻ chưa thể hiểu đến mức độ tai nạn tử vong nhưng tốt nhất, bố mẹ hãy cho trẻ thấy được sự đáng sợ và ảnh hưởng đến trẻ nếu không thực hiện các hướng dẫn an toàn.
Tuy vậy, cũng đừng khiến trẻ hoảng sợ và không dám ra đường. Chỉ nên để trẻ cảm nhận ở mức độ cần thiết phải học về tham gia giao thông đúng cách.
Nếu bạn mua sản phẩm qua link này (chi phí không đổi) website chamengaynay.com sẽ nhận được khoản hoa hồng nhỏ để duy trì hoạt động. Cám ơn đã ủng hộ chúng mình.
Sử dụng mô hình, hình ảnh
Bố mẹ có thể tìm trên mạng và in ra những mô hình biển báo giao thông đơn giản để dạy cho con ở nhà. Hoặc cho trẻ xem những clip hoạt hình, bài hát về giao thông. Mục đích cho trẻ hiểu những điều cơ bản như phần đường cho người đi bộ, vạch qua đường, tín hiệu đèn giao thông.
Tùy độ tuổi mà bố mẹ có thể cung cấp lượng thông tin phù hợp cho trẻ. Đừng bắt trẻ phải ghi nhớ quá nhiều mà khiến bé nản, không có hứng thú tiếp thu.
Nếu bạn mua sản phẩm qua link này (chi phí không đổi) website chamengaynay.com sẽ nhận được khoản hoa hồng nhỏ để duy trì hoạt động. Cám ơn đã ủng hộ chúng mình.
Thực hành và thực hành
Đây là điều quan trọng nhất để trẻ có thể tham gia giao thông an toàn. Sau khi đã giải thích cho bé hiểu những điều cơ bản, bạn cần giúp trẻ áp dụng chúng vào thực tế.
Mỗi khi dẫn trẻ ra ngoài chơi, bạn hãy hỏi những gì mà trẻ được học ở nhà, đâu là vỉa hè, đâu là phần đường cho người đi bộ, vạch qua đường, các tín hiệu đèn giao thông. Liên tục áp dụng lý thuyết được học và thực tế giúp bé nhớ nhanh và nhớ lâu hơn. Dưới đây là những lưu ý dạy bé dưới 7 tuổi khi đi bộ và đi qua đường.
Đi bộ trên đường
Nên đi vào vỉa hè. Kể cả khi vỉ hè bị xe cộ hoặc các hàng quán lấn chiếm, trẻ cũng phải chịu khó luồn lách mà đi, không chạy xuống lòng đường.
Nếu đường không có vỉa hè dành riêng cho người đi bộ thì bạn cần hướng dẫn trẻ đi sát vào bên phải mép đường và chú ý quan sát trước sau.
Không được vừa đi vừa nghe nhạc, đọc truyện, chơi game, không được chạy nhảy, chơi đùa dưới lòng đường, đặc biệt là nơi nhiều xe qua lại.
Không nên mang theo đồ chơi bên cạnh đặc biệt là trái bóng, bởi nếu trẻ làm rơi chúng và khi đuổi theo nhặt lại sẽ rất nguy hiểm.
Đi bộ qua đường
Ở thành phố các bậc phụ huynh cần dạy trẻ có ý thức chỉ qua đường ở những nơi quy định (có vạch kẻ đường) và tuyệt đối chấp hành các tín hiệu giao thông.
Ở những tuyến đường nào không có quy định điểm qua đường thì càng cần phải cẩn thận hơn khi chọn điểm vắng xe để qua và chú ý quan sát các làn xe chạy bên phải (tập trung hơn về hướng này) và đồng thời cũng để ý bên trái xem có xe nào đang tiến đến không.
Đợi đến khi có ít xe chạy, có một quãng đường vắng đủ dài mới được sang đường. Nếu trên đoạn đường có nhiều xe qua lại hãy đợi một ai đó cũng muốn sang đường để bé có thể đi bên cạnh họ.
Khi sang được phải đi từ từ vừa đi vừa nhìn đường, giơ tay xin đường để báo hiệu cho người đi đường biết mình đang đi qua đường, tuyệt đối không chạy một mạch sang bên kia đường vì như thế rất nguy hiểm.
Đối với trẻ dưới 7 tuổi, cha mẹ cần để ý đến trẻ, dặn trẻ không được tự ý băng qua đường một mình, nhất là những đoạn đường thường xuyên có xe cơ giới đi qua, mà nhất thiết phải có người lớn cầm tay dắt qua đường.
Khi đang đi ngang qua đường, thấy có xe lao thẳng về phía mình thì trẻ không được hốt hoảng bỏ chạy bừa mà phải ra tín hiệu hoặc kêu to để người điều khiển phương tiện giao thông chủ động xử lý tình huống.
Điều quan trọng nhất mà bạn không được quên đó là khi cùng trẻ ra ngoài đường tham gia giao thông, bạn phải là người tuân thủ chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh trước. Muốn trẻ đợi đèn xanh mới sang đường nhưng bố mẹ lại băng qua bất cứ lúc nào và khi nào. Muốn trẻ thực hiện tốt các quy định an toàn giao thông, trước hết bố mẹ phải làm gương, thực hiện đúng cho trẻ thấy.