Muốn trẻ 3 tuổi biết lễ phép, biết tôn trọng người khác không phải là một việc dễ dàng và nhanh chóng. Một phần là khả năng ngôn ngữ của trẻ vẫn đang phát triển. Ví dụ bạn muốn con đi ngủ thì trẻ không thể nói là “Con đang rất thích chiếc ô tô này, con có thể chơi thêm một lúc nữa không ạ?” Vì không thể trình bày suy nghĩ của mình, nên trẻ chỉ có thể phớt lờ lời nhắc nhở của bạn, hoặc hét lên những câu đơn giản, như “Con không muốn” hay “Con ghét đi ngủ”…
Việc này không có nghĩa con bạn là đứa trẻ hư, mà vì con vẫn còn nhỏ và cần nhiều sự dạy dỗ và thực hành để biết cách thể hiện sự lễ phép, tôn trọng. Bài viết này mình sẽ chia sẻ các cách đơn giản để bố mẹ dạy trẻ lễ phép nhé.
Hãy tôn trọng con
Trong việc dạy dỗ con cái, mình luôn ghi nhớ là cha mẹ phải làm gương cho con. Đừng yêu cầu trẻ phải biết lắng nghe và làm theo yêu cầu của bạn, khi mà bạn luôn phớt lờ những câu nói của trẻ. Vậy nên việc đầu tiên hãy dành cho sự tôn trọng mà chúng đáng được có, hãy bắt đầu bằng việc lắng nghe. Có thể sẽ hơi mất thời gian để chờ đợi một đứa trẻ 3 tuổi nói ra những suy nghĩ của mình. Nhưng hãy ngồi xuống ngang tầm mắt của trẻ, nhìn thẳng vào mắt con và cho con biết bạn quan tâm đến những gì con nói. Đó là cách tốt nhất để dạy trẻ về sự tôn trọng và biết lắng nghe người khác.
Dạy con những câu lễ phép
Sự tôn trọng và lễ phép được thể hiện qua những cư xử và lời nói lễ độ. Hãy dạy trẻ nói “vâng”, “dạ”, “ạ”, “cảm ơn”, “xin lỗi” ngay khi trẻ đang tập nói. Giải thích với con rằng, bố mẹ sẽ vui vẻ đáp ứng yêu cầu của con khi con cư xử đúng, nói năng lịch sự chứ không phải khi con gào thét và đòi bằng được thứ mình muốn. Việc bố mẹ làm gương, luôn nói năng lịch sự, lễ phép với người xung quanh cũng là cách đơn giản để trẻ học hỏi cách giao tiếp lịch sự.
Tránh phản ứng thái quá
Nếu con bạn đánh bố mẹ hoặc gọi bố mẹ bằng những từ không hay, cố gắng đừng nổi giận. Thay vào đấy hãy nghiêm mặt lại, nhìn vào mắt con và nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát rằng “Con không được đánh người khác hoặc không được nói những câu như thế!”
Sau đó hãy hướng dẫn con cách thể hiện điều mình muốn. Nếu con muốn mẹ chơi với con chỉ cần nói với mẹ. Việc con thể hiện thái độ tốt và lời nói lễ phép sẽ khiến con dễ đạt được mục đích hơn và la hét.
Nếu bạn mua sản phẩm qua link này (chi phí không đổi) website chamengaynay.com sẽ nhận được khoản hoa hồng nhỏ để duy trì hoạt động. Cám ơn đã ủng hộ chúng mình.
Bất đồng là không thể tránh khỏi
Đừng kỳ vọng rằng trẻ sẽ răm rắp nghe lời hay làm theo mọi yêu cầu của bố mẹ. Vì như vậy không đúng với bản chất con người, mỗi cá thể độc lập đều có suy nghĩ và cá tính riêng. Chứ không phải là con không vâng lời, hay không tôn trọng bạn.
Hãy dạy con thay đổi cách nói chuyện từ những câu mang tính tiêu cực như: Mẹ không cho con đi chơi công viên, mẹ xấu lắm, con ghét mẹ.” Thành những câu tích cực hơn như “Chúng ta có thể đi chơi công viên sau khi mua đồ xong không ạ?” Chỉnh sửa cho con những câu nói lịch sự mỗi ngày, nó sẽ hình thành thói quen cho bé khi lớn lên.
Đặt giới hạn
Một trong những cách tốt nhất để thể hiện sự tôn trọng là bố mẹ phải vừa dứt khoát vừa ân cần. Ân cần là để cho bé thấy bố mẹ tôn trọng bé, còn dứt khoát là để cho bé biết tôn trọng những việc cần phải làm. Ví dụ, nếu bé nổi cáu hay vô lý khi ở siêu thị mà bố mẹ làm mọi cách đều không dỗ được bé, phải làm sao? Bố mẹ nên nhẹ nhàng đưa bé ra chỗ khác, kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi bé bình tĩnh trở lại. Sau đó cùng trở lại tiếp tục việc mua sắm. Mục đích sau cùng của việc này là để trẻ hiểu được việc mình làm ầm ĩ trước đó không khiến cho kế hoạch của bố mẹ thay đổi.
Nếu bạn mua sản phẩm qua link này (chi phí không đổi) website chamengaynay.com sẽ nhận được khoản hoa hồng nhỏ để duy trì hoạt động. Cám ơn đã ủng hộ chúng mình.
Khen ngợi cư xử lễ độ của bé
Khen ngợi trẻ mỗi khi trẻ thể hiện sự lịch thiệp, lễ phép. Càng nhiều càng tốt nhưng phải cụ thể. Lời khen cần chỉ ra hành động nào của bé là tốt chứ không chỉ chung chung là “con ngoan lắm”, “con giỏi lắm”. Ví dụ: Bố mẹ rất vui khi con chào hỏi ông bà hàng xóm. Con rất ngoan khi nhường ghế ngồi cho em bé hơn.
Hãy cho trẻ thấy những nỗ lực của trẻ là xứng đáng và được trân trọng.