Sử dụng bánh kẹo để làm phần thưởng, dụ các bé làm theo ý mà người lớn mong muốn. Thật ra điều này không hoàn toàn sai nhưng nó sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ nếu chúng ta liên tục sử dụng cách này và khiến cho trẻ trở thành một em bé nghiện đồ ngọt. Ở bài viết này, mình muốn chia sẻ vài điều đơn giản về việc tính toán lượng đường thế nào là đủ cho trẻ cũng như một vài mẹo để giúp hạn chế trẻ ăn bánh kẹo.
Trẻ ăn bao nhiêu đường là đủ?
Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với những trẻ từ 2 đến 18 tuổi thì chỉ nên ăn ít hơn 25 gram đường, tương đương với 6 muỗng cà phê trong 1 ngày thôi.
Đối với việc nêm nếm khi đun nấu thức ăn hàng ngày thì bố mẹ có thể đong đếm được lượng đường. Còn đối với các loại thực phẩm khác, thì khi mua bố mẹ nên để ý tổng lượng đường được ghi trên nhãn sản phẩm.
Và cũng nên nhớ rằng đường không chỉ có trong kẹo mà còn rất nhiều những thực phẩm khác nữa nên bố mẹ cần tìm hiểu và tự cân đối để con mình không ăn quá nhiều đường vào cơ thể trong 1 ngày nhé.
Lượng đường trong các loại thực phẩm phổ biến
Mẹo hạn chế đường trong đồ ăn của trẻ
Các bố mẹ cũng lưu ý rằng những loại đường trong bánh kẹo là những loại đường bổ sung được thêm vào trong quá trình chế biến, trái ngược với đường tự nhiên có sẵn trong các chế phẩm sữa hoặc trái cây rau củ. Nên trong chế độ ăn của trẻ nhỏ rất ít khi cần bổ sung thêm đường, vì trẻ em cần nguồn năng lượng chủ yếu từ rau, củ, quả, các nguồn protein, ngũ cốc và sữa đã có thể giúp trẻ lớn lên một cách khỏe mạnh.
1. Xây dựng cho bé 1 thói quen ăn uống lành mạnh hơn
Thay thế kẹo, bánh bằng những loại hoa quả có vị ngọt đậm như xoài, mít, chuối, hay đồ ăn vặt thay thế bằng những loại trái cây khô, hạt khô, hoa quả sấy. Thay thế nước ngọt, nước ép đóng chai bằng sữa hạt, sữa bò không đường, nước ép trái cây. Những loại đồ ăn lành mạnh này luôn có sẵn trong nhà Jay.
Thói quen ăn uống lành mạnh này cần được rèn luyện từ sớm. Ví dụ như Jay, từ sau khi cai sữa mẹ là mình cho con uống sữa không đường và bây giờ con có thể uống một cách thoải mái.
2. Bữa phụ cũng cần bớt ngọt
Vì bố mẹ đã kiểm soát tốt được lượng đường trong các bữa ăn chính của trẻ rồi mà lại dùng quá nhiều đường trong bữa phụ của trẻ thì có thể sẽ làm tăng sở thích ăn ngọt. Mình đã từng nói đến việc sử dụng những đồ ăn như là váng sữa trong những bữa phụ nhưng không nên lạm dụng nó. Vì độ ngọt trong những thực phẩm này là khá cao. Trong 1 tuần, bố mẹ cũng chỉ nên cho trẻ ăn từ 2-3 ngày thôi. Đối với bánh kẹo nên cất tránh xa tầm mắt trẻ. Trẻ không nhìn thấy thì sẽ không đòi hỏi.
3. Hạn chế dùng bánh kẹo làm phần thưởng
Việc sử dụng bánh kẹo là phần thưởng cho trẻ nên hạn chế, thay vào đó bố mẹ có thể sử dụng những những miếng dán sticker. Một chiếc hôn hoặc ôm với những em bé nhỏ, hay tăng thời gian chơi với những bé lớn hơn. Những phần thưởng tinh thần này nhiều khi cũng đủ làm các con hài lòng rồi. Nếu các bố mẹ có những cách thưởng nào thú vị khác thì hãy để lại comment phía dưới để mọi người cùng tham khảo nhé.
4. Giải thích cho trẻ về tác hại khi ăn nhiều đồ ngọt
Hãy thành thật nói chuyện với trẻ về tác hại của việc ăn đồ ngọt nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao. Cho con xem những hình ảnh minh họa về việc kẹo bánh ăn nhiều gây sâu răng và giải thích cho bé hiểu. Mình tin rằng về lâu dài bé sẽ hình thành được ý thức tốt hơn đối với việc tiêu thụ đồ chứa nhiều đường.
5. Đừng hoàn toàn xoá sổ đồ ngọt trong nhà
Tuy nhiên các bố mẹ cũng không nên cấm bé ăn đồ ngọt. Đừng hoàn toàn xóa sổ kẹo, bánh và đồ ngọt trong gia đình bạn. Vì nó sẽ gây phản tác dụng. Như bất kỳ người ăn kiêng thường xuyên nào cũng biết, bạn luôn muốn những gì bạn không thể có – và thông thường, bạn muốn nó hơn bao giờ hết! Đối với trẻ nhỏ cũng vậy. Cấm đồ ngọt hoàn toàn, thì khi có cơ hội để ăn thì trẻ sẽ ăn thỏa thích, và vô tình trẻ lại sẽ trở thành tín đồ hảo ngọt.
Xem thêm các mẹo hạn chế đường trong đồ ăn hàng ngày của trẻ ở clip này
Mỗi ngày trẻ em chỉ nên ăn dưới 25 gram đường thôi, các bố mẹ nên lưu ý để tránh hại đến sức khoẻ của con. Bằng các mẹo hạn chế đường trong chế độ ăn của trẻ như trong bài viết này. Bánh kẹo và đồ ngọt không nên cấm trẻ ăn, nhưng cũng nên hạn chế để giữ cho con trẻ 1 sức khoẻ tốt và thói quen ăn uống lành mạnh.