Tiếp tục series về chủ đề cho bé đến trường, mình đã chia sẻ về các tiêu chí chọn trường mầm non phù hợp với trẻ và các việc chuẩn bị cho bé đến trường ở các bài viết bên dưới. Bố mẹ nào quan tâm có thể xem lại nhé. Bài viết này mẹ Jay muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình những ngày đầu đưa Jay đi học. Những vấn đề phát sinh khi con đi học và cách mình giải quyết nó. Để bây giờ Jay mỗi ngày đều vui vẻ hào hứng đến trường.
Bé quấy khóc trong ngày đầu đi nhà trẻ?
Cái này thì hầu hết các bé đều gặp rồi. Đây cũng là biểu hiện cho thấy rằng các bé có một sự gắn kết về mặt cảm xúc với những người thân. Đây hoàn toàn là một điều tốt. Trong ngày đầu đưa bé đến trường, các bố mẹ cũng nên trao con cho các cô một cách dứt khoát một chút nhưng hãy đứng lại để trò chuyện với bé. Hãy nói thật với bé về lý do mình phải đi, nói đúng giờ có thể đón bé và thực hiện đúng lời hứa để xây dựng niềm tin cho con. Điều này là vô cùng quan trọng.
Khi đưa bé đến nhà trẻ và thấy bé khóc nhiều, thì bố mẹ có thể nán lại để quan sát tình hình, nhưng phải tránh tầm mắt trẻ. Nếu thấy cô giáo đã dỗ được bé thì cố gắng để bé làm quen cô, nếu thấy tình hình bé khóc nhiều mà cô giáo không dỗ bé nín được thì có thể quay lại chơi với bé hoặc đón về để bé không có cảm giác sợ hãi.
Trong những ngày đầu tiên mới đi nhà trẻ, thì có thể để bé mang theo đồ chơi yêu thích đến trường học. Thật ra cái này thì các trường đều không khuyến khích đâu nhưng với cá nhân mình thì mình có làm như vậy. Vì thật ra để các bé giữ một món đồ chơi yêu thích sẽ giúp các bé bình tĩnh hơn và các cô thì cũng có thêm công cụ để dỗ dành bé trong lúc bé quấy khóc. Cái này chỉ nên sử dụng trong thời gian đầu thôi. Khi bé đã dần quen với lớp rồi thì hãy tìm cách dần dần tách bé ra khỏi món đồ chơi này. Có thể là vẫn mang nhưng sẽ để vào ba lô rồi sau đó mới để hẳn ở nhà.
Có nên cho trẻ mới đến trường học nửa ngày thôi không?
Nên cho con đi học từ đầu tuần (thứ 2 hoặc thứ 3). Vì con đi học cả tuần sẽ nhanh quen hơn, chứ học 1,2 ngày rồi cuối tuần nghỉ, 2 ngày sau đi lại con sẽ khó làm quen lại.
Lịch trình tham khảo ngày đầu cho bé đến nhà trẻ.
+ Ngày đầu tiên và ngày thứ 2: bé sẽ đến lớp từ sáng và mẹ sẽ đến đón 1 đến 2 tiếng sau đấy tùy trường.
+ Ngày thứ 3, thứ 4: bé sẽ đến lớp từ sáng và ở lại ăn trưa tại lớp. Sau hai ngày đầu tập quen với cô và các bạn, các bé được tập ăn uống cùng với nhau tại trường. Sau khi ăn xong, các mẹ sẽ đến đón con về.
+ Ngày thứ 5: bé sẽ đến lớp từ sáng, ăn tại trường, và ngủ trưa tại trường. Sau khi ngủ trưa dậy, gia đình sẽ đến đón.
+ Từ ngày thứ 6 trở đi bé sẽ đến trường từ sáng đến 4 rưỡi chiều.
+ Những ngày sau có thể dãn giờ đón đến 5 giờ.
Bé gặp vấn đề về sức khỏe?
Khi mới đi nhà trẻ, điều đầu tiên mà bất cứ gia đình nào cũng lo lắng nhất, đó là con dễ bị ốm. Một bạn ở lớp ốm thì có thể lây cho vài bạn khác và con đang khỏe có thể bị lây ốm bất kì lúc nào. Sẽ chẳng lạ gì nếu bạn đang ngồi làm việc thì nhà trẻ bất chợt gọi điện đến thông báo bé sốt trên 37.5 độ rồi, nếu 1 lúc nữa sốt trên 38 độ sẽ gọi lại và mẹ về đón con ngay nhé. Các bé mới đi học thì càng dễ ốm hơn vì chưa quen lớp quen bạn, khóc suốt không ăn uống được nên rất dễ bị ốm.
Bé Jay đi học được 2 tháng thì phải nghỉ ốm nằm viện viêm phế quản, tai giữa mất 2 tuần. Nhưng không sao cả, đây là điều mà mình và gia đình đã lường trước rồi. Con khỏi ốm thì lại đến lớp. Và sau này, khi bé ốm nhẹ, không lây nhiễm thì mình vẫn cho con đến lớp và gửi thuốc cho cô. Thậm chí khi cô cho uống thuốc con còn tự giác hơn ở nhà.
Bé gầy đi
Con sẽ gầy đi. Không phải do thức ăn ở trường không đủ, không ngon mà đơn giản con chưa quen con không ăn được mấy. Lúc Jay mới đi học, nếu ngày đó ở lớp con không ăn được nhiều thì các cô đều phản ánh lại với phụ huynh để cho con ăn bù thêm ở nhà. Bé ăn ít đi thì đương nhiên gầy đi rồi. Cộng thêm bị ốm nữa nên hầu hết các bé mới đi trẻ đều có thể sẽ bị gầy đi. Nhìn con ốm, gầy đi mẹ nào mà chẳng xót, nhưng chỉ cần qua giai đoạn đầu này thôi và bé vẫn vui vẻ hoạt bát là được.
Bé bị “tai nạn”
Sẽ chẳng lạ gì nếu đến đón con cô chạy ra thông báo con bị ngã xước chân khi đi công viên, hay con bị bạn A, B, C nào đấy cào xước mặt. Cái này thì không thể tránh được khi thời gian đầu, dần dần các mẹ buộc phải quen. Các mẹ chú ý là cắt móng tay cho con cẩn thận để con không cào bản thân mình và cào xước bạn nhé!
Nên trao đổi với giáo viên về những vấn đề gì?
Khi mới đi nhà trẻ, bố mẹ cần trao đổi kỹ với giáo viên phụ trách lớp về những sở thích cũng như điểm đặc biệt của bé để cô giáo lưu ý như: thói quen khi ăn uống, ngủ, đi vệ sinh, những biểu hiện khi bé muốn gì, có bị dị ứng món ăn nào không? Tính cách của bé khi ở nhà… Bé Jay rất thích ô tô, nên khi các cô nói chuyện hay dùng đồ chơi ô tô ra dụ con thì con rất dễ làm quen và nghe theo.
Có cần thiết phải quan sát trẻ hàng giờ qua camera hay không?
Camera thực sự không phải là một ý kiến hay trong trường mầm non. Bởi vì, những gì bạn nhìn thấy qua camera đôi khi không phản ánh đúng vấn đề. Và bạn cũng có thể chủ quan chỉ vì những gì nhìn thấy trên camera. Vì thế, nếu phát hiện ra một bất thường khi xem camera, hãy bình tĩnh xem xét và nói chuyện với cô giáo trước khi gọi điện hay đến trường và lên tiếng về những gì bạn nhìn thấy.
Bên cạnh đó, đừng kì vọng hay yêu cầu trường up thật nhiều ảnh bé lên dù bạn muốn biết con ở trường học và sinh hoạt thế nào. Vì nếu phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức để sắp xếp và chụp những tấm hình long lanh thì cô còn thời gian hoạt động và chơi với con không, các con có còn được tự do chơi thoải mái không? Hãy tin vào trực giác và quan sát của bạn hơn là những tấm ảnh và camera.
Bé không chịu ăn uống, không giao lưu với các bạn khác?
Khả năng thích ứng với môi trường của trẻ còn yếu, cần phải có thời gian thích nghi: Một số trẻ khó chịu, lo lắng khi đi học mẫu giáo nhưng cùng với thời gian trẻ sẽ quen dần, hòa nhập với mọi người xung quanh, chơi ngoan, không quấy khóc… Điều này chứng tỏ trẻ có khả năng thích nghi với môi trường mới rất tốt. Nhưng nếu trẻ đi học mà không muốn chơi với ai, không quan tâm đến cô giáo, chỉ lặng lẽ một mình, điều này mới thực sự cho thấy trẻ thích ứng kém, không thể hòa nhập với môi trường xung quanh.
Có thể nói rằng quãng thời gian đầu làm quen là thời gian khó khăn nhất cho cả mẹ và con. Con khóc mẹ khóc. Vừa đến lớp là con khóc, đón con về cũng thấy con khóc. Về nhà thì con bám dính lấy mẹ luôn vì chỉ sợ mẹ bỏ đi mất. Thương lắm! Bé nào cũng phải trải qua quãng thời gian này và chính nhờ những quãng thời gian như thế con trưởng thành hơn. Vì vậy hãy dành nhiều thời gian ở nhà hơn cho con, trò chuyện với con thật nhiều để cùng nhau vượt qua giai đoạn làm quen này.
Nếu sau 1 thời gian đầu khoảng 2-3 tháng, con hòa nhập được thì bạn đã có thể yên tâm. Còn nếu như sau khoảng thời gian ấy, mà bé tỏ thái độ mạnh mẽ không muốn đến trường, khóc nhiều, sụt cân nhiều, hay ốm, bỗng dưng sợ người lạ… thì chắc các bố mẹ cũng nên tính những phương án khác. Vì theo mình nghĩ, đến trường là để giúp bé học tập những điều mới mẻ, tăng khả năng giao tiếp chứ nếu bé hoàn toàn không tiếp nhận được những điều này thì có lẽ là bé chưa sẵn sàng. Lúc đó các bố mẹ có thể nhờ người giữ bé ở nhà thêm 1 thời gian nữa thì tốt hơn.
Có thể những ý kiến này của mẹ Jay còn nhiều thiếu sót nhưng nó sẽ góp một phần nhỏ cho những ai quan tâm. Rất mong mọi người có ý kiến chia sẻ thêm để mình và những cha mẹ khác cùng tham khảo nhé.