Nếu như những lúc bình thường, trẻ con đi học còn bố mẹ đi làm, thời gian bên cạnh nhau trong ngày thường chỉ là buổi tối thôi thì việc chơi cùng còn với mình cũng không phải là một vấn đề gì quá lớn. Nhưng nếu ở nhà với các bé cả ngày, mà các bé lại không thể tự chơi 1 mình được, cứ vài phút là lại gọi bố ơi, mẹ ơi…. Xem cái này này, xem cái kia này, hay là bố mẹ ra đây với con thì hầu như cả ngày chúng ta không làm được việc gì luôn. Jay nhà mình cũng vậy. Và trong quãng thời gian vừa rồi, khi trường học vẫn chưa được mở lại, mình đã áp dụng một vài cách để giúp Jay có thể tự chơi được 1 mình và cảm thấy khoảng thời gian cậu bé tự chơi, đã được cải thiện dần lên. Nên hôm nay, mình muốn chia sẻ một vài cách giúp bé tự chơi mình đã làm và hy vọng sẽ giúp được các bố mẹ khác cũng đang gặp vấn đề này.
1. Hãy tạo sự chú ý cho trẻ trước
Sẽ không có ích gì đâu nếu bạn vứt chúng vào căn phòng chứa đầy đồ chơi và nói rằng con hãy tự chơi đi. Mẹo của mình là hãy cố gắng dành thời gian chơi với con một lúc trước khi yêu cầu con tự chơi. Hãy gợi lên hứng thú của con đối với trò chơi, để trẻ dồn tất cả sự tập trung vào đồ chơi chứ không phải bạn. Rồi sau đó thành thật nói với con rằng mẹ sẽ ra ngoài 1 lúc để rửa bát, nấu ăn… Mẹ sẽ quay lại ngay khi xong việc. Đừng đột ngột rời đi mà không nói gì, trẻ sẽ càng tăng sự chú ý và muốn lôi kéo bạn ở lại.
2. Hãy giúp trẻ tạo khởi đầu
Jay rất thích ô tô, nhưng muốn con chỉ cầm chiếc ô tô mà chơi thì nhanh chán lắm. Thế thì mẹ cần tạo cảm hứng cho con, bằng cách xây dựng cho Jay cả 1 thành phố, một công trường xây dựng. Đó là 1 cái hộp đựng 1 ít gạo cùng với xe xúc xe ủi như thế này. Chỉ dành vài phút để giúp con tạo cảm hứng cho trò chơi của mình, chắc chắn trẻ sẽ chơi trò đó được lâu hơn.
3. Đừng làm phiền
Khi con đang tự chơi, thì cố gắng để con 1 mình càng lâu càng tốt. Bố mẹ đừng bình luận về những gì con đang làm hoặc yêu cầu con làm cái này cái nọ. Cũng như người lớn chúng ta vậy, khi đang tập trung làm gì thì rất khó chịu khi có người khác làm gián đoạn lắm.
4. Khen ngợi nhưng đừng tham gia
Mặc dù bố mẹ không chủ động làm gián đoạn giờ tự chơi của con, nhưng nếu con cứ hỏi gọi í ới “mẹ ơi, xem này” “Nhìn tòa nhà cao chưa này mẹ ơi”… Thì bố mẹ nên phản ứng lại, khen và nhận xét về những gì con đang làm rất tốt dù không có bố mẹ bên cạnh. Và chèn thêm 1 vài gợi ý để kéo dài thêm sự tập trung của con vào trò chơi, vd “tòa nhà cao thế thì xe cứu hỏa có dập lửa được không nhỉ? Cậu bé sẽ quay ra thử nghiệm tiếp phương án này, và bạn lại quay lại với công việc của mình.
5. Gợi ý cho con những đồ chơi sáng tạo
Khuyến khích con chọn các trò chơi sáng tạo, nghệ thuật và thủ công và các hoạt động xây dựng để lấp đầy thời gian tự chơi. Mình luôn cố gắng cung cấp cho Jay những đồ chơi mở và sáng tạo. Ít đồ chơi nhưng có thể chơi bằng nhiều cách. Những đồ chơi điện tử có âm thanh, ánh sáng chạy bằng pin – thì khiến khả năng tập trung và sáng tạo của trẻ càng ít. Ban đầu có thể chơi vui đấy nhưng sau 1 thời gian sẽ trở nên nhàm chán và chẳng thể chơi kiểu khác được. Mình thấy rằng trẻ có thể tạo ra các kịch bản hấp dẫn của riêng mình nên hãy lựa chọn những loại đồ chơi mà trẻ có nhiều lựa chọn để chơi thay vì những đồ chơi đơn thuần chỉ mang tính quan sát như là những con robot chạy pin chẳng hạn.
7. Cố gắng tránh xa, nhưng trẻ vẫn biết bạn đang ở đâu
Sau khi trẻ đã biết cách chơi rồi thì giờ là lúc các bố mẹ chú ý đến khoảng cách. Đầu tiên là rời xa chỗ chơi nhưng vẫn ở trong tầm mắt của trẻ. Ví dụ bé tự chơi ở sàn còn mẹ thì rửa bát chẳng hạn, Rồi sau đó mới đi đến những nơi trẻ không nhìn thấy. Nhưng đừng biến mất đột ngột, hãy nói cho trẻ biết là nếu trẻ cần, có thể tìm bố mẹ ở đâu.
8. Hãy cứ để con bừa
Bừa bộn trong giới hạn và quy ước trước với con là mình sẽ dọn sau khi chơi xong. Nhưng khi con chơi, hãy cứ để con thỏa thích sáng tạo.
9. Thiết kế nơi cất giữ đồ chơi mà con có thể tự lấy
Mẹ Jay luân phiên cất đồ chơi cho Jay, để bé không bị mất tập trung vì có quá nhiều thứ muốn chơi. Và đặt những đồ chơi phù hợp với tuổi của con ở ngang tầm tay bé. Để bé có thể tự lấy mà không cần sự trợ giúp.
Và cuối cùng, mình muốn nói là việc giúp các bé tự chơi cần phải được cải thiện dần dần chứ không thể có phương pháp nào có thể khiến 1 bé đang chỉ có thể tự chơi 5 phút thành có thể tự chơi được 1 tiếng đâu. Vậy nên hãy từ từ tăng dần thời gian cho trẻ tự chơi. Sau 1 khoảng thời gian, 10-20 phút bạn sẽ tham gia với con, ngày hôm sau sẽ lại tăng lên 30 phút rồi lâu hơn. Để con yên tâm biết rằng mẹ vẫn luôn quan tâm đến mình, và cứ yên tâm chơi trò chơi của mình.
Vì vậy, các bố mẹ cũng cần kiên trì một chút vì suy cho cùng Tự chơi cũng giúp cải thiện khả năng tập trung, khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ. Trẻ cũng sẽ hiểu được rằng bố mẹ không phải lúc nào cũng chơi cùng mình cả ngày. Những đứa trẻ thoải mái làm chủ việc chơi một mình, sẽ được trang bị tốt hơn để tự lập sau này. Và nếu các bố mẹ còn có những phương pháp nào khác, hãy để lại comment để mình và mọi người tham khảo nhé.