Tất cả mọi trẻ em đều thích chơi. Dù là tự chơi một mình, chơi với những người bạn tưởng tượng hay là với những người bạn thực sự. Nếu bạn nghĩ rằng khi trẻ chơi là đang lãng phí thời gian thì hãy suy nghĩ lại. Vì trên thực tế trẻ sẽ học được rất nhiều điều thông qua những trò chơi. Việc của bố mẹ là làm sao để tối đa hóa giá trị thu được từ những giờ chơi của con. Và mình nghĩ là bước đầu các bố mẹ nên xác định những cách chơi của trẻ để từ đó thấy được lợi ích của nó.
Chơi hợp tác
Chơi hợp tác hay chính là kiểu chơi theo nhóm. Trẻ em dành thời gian để chơi với một hoặc nhiều người bạn với những trò chơi borad game như cờ cá ngựa, cờ tỉ phú, domino hay là chơi trò chơi ngoài trời hoặc cùng nhau làm đồ thủ ông. Việc chơi này thực sự đơn giản nhưng nó dạy cho những đứa trẻ rất nhiều. Học cách kiên nhẫn, chia sẻ, cho người khác cơ hội và cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung. Những trò chơi hợp tác xây dựng các kỹ năng xã hội của trẻ rất nhiều, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp của chúng.
Khi còn nhỏ, trẻ sẽ chơi những trò chơi hợp tác cùng với bố mẹ hoặc anh chị em, sau đó trong những năm học, nó sẽ phát triển thành các trò chơi cạnh tranh. Khi trẻ tham gia các môn thể thao và chơi theo nhóm, chúng sẽ học được các bài học về trách nhiệm, kỷ luật, tinh thần đồng đội, tuân thủ luật, chiến thắng và thua cuộc. Thông qua việc tăng cường chơi hợp tác, trẻ mẫu giáo có thể phát triển thành những cá nhân tự tin, đồng cảm.
Chơi có kết thúc mở
Chơi có kết thúc mở hay chính là chơi sáng tạo. Không có một giới hạn nào hay kết quả cố định nào cho những trò chơi này. Cát, bột nặn, màu vẽ, khối gỗ… là những nguyên liệu tuyệt vời trong danh mục các đồ chơi có kết thúc mở. Khi trẻ chơi những thứ này, sự sáng tạo và trí tưởng tượng của chúng sẽ có thể khiến bạn cảm thấy ngạc nhiên. Nghệ thuật, tư duy phản biện, kỹ năng sống, là những giá trị có thể bồi dưỡng cho trẻ thông qua các trò chơi có kết thúc mở.
Mình đã từng giới thiệu 3 món đồ chơi có kết thúc mở trên kênh Jay Family, đó là cát động lực. bột nặn và những miếng xếp hình nam châm. Trong khi trẻ chơi những món đồ chơi này, chúng sẽ học được cách nhận biết hình dạng và mô hình. Ý tưởng về những lâu đài, gara, xe cộ trong đầu trẻ sẽ được chúng tìm cách tư duy và thực hiện thành sản phẩm.
Trò chơi giả vờ hay còn gọi là trò chơi đóng vai theo chủ đề cũng là một kiểu chơi kết thúc mở rất được trẻ em yêu thích. Đắm mình trong trò chơi giả tưởng, trẻ có thể biến mình thành bất cứ nhân vật nào mà trẻ yêu thích, công chúa, siêu nhân, phi hành gia… Lợi ích tuyệt với nhất của trò chơi đóng vai là nó dạy cho trẻ em cách tưởng tượng. Nó xây dựng sự thể hiện bản thân và phát triển cảm xúc, từ đó trở thành những con người có suy nghĩ độc lập.
Chơi vận động
Những trò chơi vận động như đi xem đạp, truy tìm kho báu, leo trèo sẽ rất tốt cho các kỹ năng vận động của con bạn, cả vận động tinh và vận động thô. Trẻ được tập thể dụng, xây dựng sự phối hợp, sức mạnh và sức chịu đựng, và trên hết là tận hưởng niềm vui mà trò chơi mang lại.
Chơi ảo
Thế kỷ 21- thời đại của công nghệ, không ai trong chúng ta không biết điều này. Và nó đã sản sinh ra một kiểu chơi mới, đó là trò chơi ảo, trò chơi kỹ thuật số. Nhiều trẻ em bị cuốn hút và say mê vào những trò chơi với đồ họa đẹp mắt và chuyển động không ngừng trên màn hình điện tử. Rất nhiều hệ lụy của việc trẻ em đam mê chơi ảo gây nên những tác hại khôn lường.
Tuy nhiên chúng ta không thể tách rời cuộc sống của mình khỏi thế giới ảo, vậy thì hãy tìm cách để kết hợp những lợi ích của nó với thế giới thực. Các bố mẹ hãy cân đối thời gian con sử dụng các thiết bị điện tử. Tìm cách hạn chế ảnh hưởng của ánh sáng xanh từ màn hình điện tử tới mắt của con.
Làm được những điều này rồi thì mình thấy việc chơi ảo qua các ứng dụng học tập như mình đã từng review giúp con học được khá nhiều thứ. Trẻ có thể thông thạo được ngoại ngữ, toán học và cả khoa học thông qua những trò chơi ảo này.
Điều cuối cùng mình muốn nhấn mạnh là Chơi chính là học. Những gì trẻ học được qua các kiểu chơi khác nhau sẽ khiến trẻ trưởng thành hơn từng ngày. Việc của bố mẹ là hay quan sát và tạo điều kiện để trẻ học được nhiều nhất tốt nhất qua những trò chơi.