Home > Em Bé > Chăm Sóc Trẻ > Những dấu hiệu cảnh báo viêm tai giữa ở trẻ em

Những dấu hiệu cảnh báo viêm tai giữa ở trẻ em

viêm tai giữa

Viêm tai giữa có thể khiến trẻ em bị đau tai, khó chịu, chán ăn, mất ngủ, sốt, chảy dịch trong tai và gây ảnh hưởng đến thính giác. Nhận biết sớm các dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sẽ giúp bố mẹ có cách xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm cho con.

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa, một khoảng không nằm phía sau màng nhĩ. Bệnh thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Đây là căn bệnh phổ biến ở trẻ em, nhất là trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi, có thể bị nhiễm trùng tai lặp đi lặp lại.

“Nếu không được xử lý tốt, viêm tai giữa có thể khiến trẻ bị thủng màng nhĩ, mất thính lực, nhiễm trùng lan sang các bộ phận khác, chậm phát triển ngôn ngữ và lời nói”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.

Đau tai

Viêm tai giữa thường xảy ra sau khi trẻ bị cảm lạnh hoặc viêm đường hô hấp. Vi khuẩn và virus sẽ di chuyển từ họng, qua vòi nhĩ vào tai giữa. Các tác nhân gây bệnh có thể khiến vòi nhĩ bị sưng, gây tắc nghẽn và tụ dịch trong tai giữa. Điều này dẫn đến các cơn đau trong tai.

Đau tai là triệu chứng viêm tai giữa dễ nhận thấy ở trẻ lớn. Ở những trẻ còn nhỏ, chưa biết nói, tình trạng đau ở tai khiến trẻ thường xuyên dùng tay dụi hoặc kéo tai, ngoáy tai, cáu kỉnh, quấy khóc nhiều hơn bình thường.

Chán ăn, bỏ bú

Dấu hiệu chán ăn dễ nhận thấy ở trẻ nhỏ bị viêm tai giữa, nhất là những trẻ đang bú bình. Bình thường, các vòi nhĩ chịu trách nhiệm duy trì áp suất trong tai giữa. Khi trẻ nuốt, ngáp hoặc hắt hơi, chúng sẽ mở ra để giải phóng áp lực. Điều này có thể gây đau ở tai bị viêm khiến trẻ không muốn ăn, bỏ ăn và bỏ bú.

Mất ngủ

Cơn đau do viêm tai giữa có thể trở nên tồi tệ hơn khi trẻ nằm xuống do áp lực trong tai thay đổi. Điều này gây đau và khó chịu khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Trẻ em bị viêm tai giữa dễ thức giấc vào giữa đêm và khóc không ngừng dù đã được bố mẹ dỗ dành.

Sốt

Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài, bao gồm cả virus và vi khuẩn. Viêm tai giữa có thể khiến trẻ bị sốt từ 38 độ C trở lên. Đôi khi, sốt là triệu chứng duy nhất của viêm tai giữa mà trẻ gặp phải.

Chảy dịch từ tai

Các loại vi khuẩn hoặc virus gây viêm tai giữa có thể khiến các bộ phận trong tai giữa bị sưng tấy, gây bít tắc và tụ dịch phía sau màng nhĩ, khiến màng nhĩ phồng lên. Nếu màng nhĩ bị phồng quá mức sẽ bị thủng và gây chảy dịch từ tai. Dịch chảy ra thường có màu trắng, vàng hoặc nâu.

Nghe kém hoặc phản ứng kém với âm thanh

Xương của tai giữa kết nối với các dây thần kinh truyền tín hiệu âm thanh đến não. Tình trạng tích tụ dịch sau màng nhĩ làm chậm sự chuyển động của các tín hiệu này qua xương tai trong, khiến trẻ nghe kém, phản ứng kém với âm thanh hoặc mất thính lực tạm thời.

Ngoài các dấu hiệu kể trên, viêm tai giữa có thể khiến trẻ bị ù tai, buồn nôn, nôn, mệt mỏi và các triệu chứng khác liên quan đến nhiễm trùng như đau họng, ho hoặc sổ mũi.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng khuyến cáo, khi nhận thấy các dấu hiệu này, bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Nếu viêm nhẹ, tùy vào độ tuổi của trẻ, bác sĩ có thể yêu cầu quan sát thêm vài ngày để xem tình trạng có cải thiện không. Các thuốc thường được dùng để điều trị viêm tai giữa là kháng sinh và thuốc giảm đau. Nếu được chỉ định thuốc kháng sinh, bố mẹ lưu ý cho trẻ dùng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian khuyến cáo để tránh tình trạng kháng thuốc sau này.

Theo Vnexpress

Bạn cũng có thể thích
van de tam ly
Trẻ em ngày xưa bị đánh đòn, la mắng vẫn ít gặp vấn đề tâm lý, tại sao?
Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết ở trẻ
trẻ bị đái dầm
Trẻ bị đái dầm và cách điều trị
khi bị lạc ở nơi đông người
Dạy con kỹ năng khi bị lạc ở nơi đông người

Bình luận

xnxx indian