Rôm sẩy là một bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ vào mùa hè. Bệnh nặng lên có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng da, mụn nhọt hoặc viêm nang lông. Vậy nên các bố mẹ cần có kiến thức và cách phòng tránh bệnh rôm sảy cho trẻ, nhất là vào mùa hè sắp tới.
Tại sao mùa hè trẻ hay bị bệnh rôm sảy?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến rôm sảy là do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Một vài yếu tố gây bệnh bao gồm:
- Ống tuyến mồ hôi của bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên mồ hôi khó thoát ra ngoài.
- Ngoài ra, nhiều khi do trẻ mặc quần áo quá dày, nóng hoặc bị sốt.
- Bé hoạt động với cường độ cao (chạy, nhảy, làm việc nặng,…) hoặc mặc tã lót bằng một số loại vải pha nilon gây bí cũng có thể khiến các ống mồ hôi bị tắc nghẽn, dẫn đến rôm sảy.
Triệu chứng bệnh rôm sảy
- Trẻ xuất hiện các mụn nước nhỏ mọc thành đám, trên nền da mẩn đỏ.
- Trẻ ngứa, quấy khóc nhiều, bứt rứt và khó chịu.
- Vị trí thường gặp: Rôm sảy chủ yếu gặp ở các vị trí có nhiều tuyến mồ hôi như ở trán, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng.
Phòng tránh bệnh rôm sảy cho trẻ
Thoáng mát là tiêu chí hàng đầu trị rôm sảy ở trẻ, giúp hạn chế tiết mồ hôi hiệu quả.
- Mặc quần áo vải mềm, thoáng mát, có thể thấm hút mồ hôi. Nếu trẻ còn mặc tã bỉm thì nên bỏ ra cho bé một khoảng thời gian cho thoáng.
- Tránh mặc cho bé các loại quần áo có chất vải pha nilon gây bí.
- Không nên cho trẻ vận động quá nhiều trong thời tiết nắng nóng (chơi đùa, chạy nhảy …) khiến mồ hôi tiết ra nhiều.
- Chỗ ngủ luôn mát mẻ, thông thoáng, sạch sẽ.
- Giữ cho da bé luôn khô ráo sạch sẽ. Không nên thoa nhiều kem hay các loại phấn lên da trẻ dễ khiến tắc lỗ chân lông, trẻ dễ bị rôm sảy hơn.
- Tắm cho trẻ hàng ngày để giữ da bé sạch sẽ không bị ghét bít lỗ chân lông
- Cho bé ăn nhiều hoa quả, giúp giải nhiệt. Mẹ có thể cho con ăn hoặc uống nước cam, dâu tây, dưa leo… vừa giải khát, chống mất nước rất tốt, hạ nhiệt cơ thể, tăng sức đề kháng và trị rôm sẩy.
Khi trẻ bị rôm sảy thì cha mẹ nên
- Tắm cho trẻ thì không dùng xà phòng làm khô da. Có thể tắm cho trẻ bằng nước chè xanh loãng.
- Khi trẻ bị rôm sảy tránh làm trầy xước các mụn vì có thể gây nhiễm trùng da.
- Dạng rôm sảy nhẹ không cần phải điều trị nhưng ở những dạng nặng hơn, nốt rôm mọc thành mảng lớn, dày đặc, tấy đỏ, mẹ nên đưa con đi khám để được kê thuốc phù hợp.
Bệnh rôm sảy ở trẻ em hay xảy ra ở điều kiện thời tiết nóng, ẩm, vào mùa hè. Do tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh. Bệnh rôm sảy ở trẻ có thể phòng tránh được nên các bố mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp giúp trẻ phòng tránh bệnh vào thời điểm mùa hè.
Xem thêm: Chăm sóc trẻ mắc cúm tại nhà