Sau nhiều sự chờ đợi, em bé của bạn đã ở đây, trên hành tinh này. Mọi chuyện với các bạn sẽ thay đổi mãi mãi. Đó có thể là sự hạnh phúc, sự mệt mỏi nhưng trên hết, là một tình yêu to lớn. Tuần đầu tiên là thời gian để mọi người trong gia đình có thể làm quen với thành viên mới. Hãy cùng Cha mẹ ngày nay tìm hiểu về trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi để mọi thứ bắt đầu được suôn sẻ hơn.
5 giác quan bắt đầu phát triển
So với trong bụng mẹ, mọi thứ bên ngoài với các bé khó khăn hơn nhiều. Thực tế thì các bé sẽ phải làm quen với một môi trường hoàn toàn mới. Như là khung cảnh, âm thanh, đồ ăn, mùi vị, sự vuốt ve. Mọi thứ với trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi đều rất mới mẻ và mẹ (đặc biệt là với những người lần đầu làm mẹ) cùng những người khác trong gia đình cần bình tĩnh để giải quyết những khó khăn này cùng con.
Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi cần gì?
- Ăn uống
Với những trẻ sơ sinh bú sữa công thức: Trẻ cần 150ml sữa cho mỗi cân nặng. Bố mẹ cứ lấy số 150ml nhân với số cân nặng để tính ra khẩu phần ăn hàng ngày cho các bé. Với những bé sử dụng sữa công thức sẽ ăn từ 6-7 lần mỗi ngày.
Còn đối với những trẻ bú sữa mẹ: Khoảng thời gian trung bình giữa hai lần bú là khoảng từ 2 đến 3 tiếng. Sau khi bú, bé sẽ chìm vào giấc ngủ. Rất khó để tính toán được lượng sữa mà bé đã bú. Nhưng điều đó không quan trọng. Hãy dùng cảm nhận của người mẹ. Được nhìn em bé say sưa bú và ngủ đó là điều mãn nguyện với mỗi người mẹ.
- Vệ sinh
Trong tuần đầu tiên, các bé trung bình sẽ cần thay tã từ 6 đến 10 lần mỗi ngày nếu bé nạp đủ dinh dưỡng. Có thể sẽ không có sự nhất quán về màu sắc trong mỗi lần bé đi nặng. Nhưng bố mẹ cũng đừng quá lo lắng. Đó là dấu hiệu cho thấy hệ thống tiêu hóa của bé đang hoạt động mạnh mẽ
Bên cạnh đó cuống rốn cũng là điều cần lưu tâm khi bé 1 tuần tuổi. Hãy giữ cuống rốn khô, sạch và để nó tự rụng. Nếu có thấy chút máu hoặc chất nhờn dính trên tã hoặc áo từ dây rốn, thì bạn cần cẩn thận hơn khi vệ sinh và giữ khô vị trí này bằng tăm bông . Tốt nhất nên vệ sinh chăm sóc vùng rốn ngay sau khi tắm.
- Giấc ngủ
Trẻ sơ sinh trong giai đoạn 1 tuần đầu tiên có thể ngủ từ 16 đến 18 tiếng mỗi ngày. Đa phần là những giấc ngủ ngắn. Giấc ngủ ở trẻ giúp bé hồi phục sức khỏe sau khi chào đời. Điều đó cũng giúp bé hồi phục năng lượng và sinh ra những hormone kích thích phát triển. Hơn thế nữa nếu bé được ngủ trong tiếng nhạc giao hưởng du dương sẽ giúp trí não của bé được phát triển.
Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi thay đổi như thế nào?
- Trẻ có thể mất 10% trọng lượng cơ thể so với lúc mới sinh. Thật ra đây là một điều bình thường và đó chỉ là sụt cân sinh lý. Nguyên nhân có thể do bé bị mất nước qua quá trình bài tiết. Số cân nặng này sẽ có được lại sau 10 đến 14 ngày, có nghĩa là vào giai đoạn bé 3 tuần tuổi.
- Ban đầu tầm nhìn của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi từ 20 đến 25 cm. Trẻ chưa phân biệt được màu sắc và những hình ảnh đầu tiên với trẻ chỉ như một chiếc tivi đời cũ bị mất sóng vậy. Nhưng hãy giữ gương mặt của mình gần các bé. Vào thời điểm này não bộ của các bé đã bắt đầu hoạt động và chắc người mẹ nào cũng muốn gương mặt của mình là điều đầu tiên được ghi nhớ trong tâm trí của con.
Lời khuyên cho các bà mẹ
- Hãy ngủ khi trẻ ngủ chắc hẳn là lời khuyên các mẹ nghe thấy nhiều nhất. Đúng vậy. Việc ngắm nhìn đứa con của mình ở tuần đầu tiên là điều mà các mẹ đều muốn làm nhưng việc ngủ để cơ thể hồi phục là điều cần thiết để tiếp tục chặng đường nuôi con.
- Theo đó những người trong gia đình hãy thay nhau thức khi mẹ ngủ. Trẻ em cần được để mắt đến, bất cứ nhu cầu nào thông qua bằng các biểu hiện cũng cần được đáp ứng. Sức khỏe của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi còn yếu, việc để các bé khóc quá lâu là điều không nên. Vì vậy, những người mẹ rất cần những người thân trong gia đình đồng hành trong việc nuôi con.
- Hãy lưu lại khoảnh khắc nhưng đừng dùng đèn flash: Bất cứ người mẹ nào cũng muốn lưu lại những khoảnh khắc đầu đời của các con. Quay phim, chụp ảnh đều là việc cần làm nhưng hãy lưu ý đến ánh đèn flash. Nó có thể làm ảnh hưởng đến đôi mắt của trẻ sơ sinh.
- Hãy bảo vệ đầu (thóp) của trẻ: Bởi vì ngay khi chào đời, xương sọ chưa nối liền với nhau mà giữa chúng có những khoảng không, gọi là khớp nối. Những điểm trũng giữa những khớp nối gọi là thóp. Vậy nên việc bảo vệ thóp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bé.
Tóm lại, trẻ sơ sinh tuần đầu tiên có những thay đôi rất thú vị. Tuy nhiên mỗi đứa trẻ sẽ có những sự phát triển khác nhau, nhưng về cơ bản sẽ như vậy. Nếu bạn có thắc mắc gì hãy để lại comment, admin của Cha Mẹ Ngày Nay sẽ trả lời nhé.