Đã bao giờ con bạn cầm điện thoại của bạn và giả vờ đang gọi điện với ai đó, hoặc bày thú bông ra giường và cầm 1 cái que để dạy chữ cho chúng… Đó là bé đang đóng vai cô giáo hoặc đóng vai chính bố mẹ mình. Trò chơi đóng vai là một trò chơi được trẻ rất yêu thích, và bố mẹ có biết rằng có rất nhiều tác dụng không ngờ của trò chơi đóng vai đối với trẻ nhỏ đấy. Hãy cùng mẹ Jay tìm hiểu ở bài viết này nhé.
Những tác dụng không ngờ của trò chơi đóng vai
Trò chơi đóng vai theo chủ đề là 1 trò chơi rất có ích, góp phần giải quyết nhu cầu muốn bắt chước người lớn của trẻ, tạo động lực phát triển các mặt tâm lý, xã hội của trẻ mẫu giáo.
Trò chơi đóng vai là một trong những cách tuyệt vời cho sự sáng tạo, hiểu biết và trưởng thành của trẻ. Đúng vậy, đây chính là sáng tạo. Khi trẻ tăng thời gian dành cho các trò chơi tưởng tượng lên, các kỹ năng bên trong và bên ngoài cũng ngày càng phát triển.
Tạo hứng khởi cho trẻ: Chơi đóng vai hỗ trợ rất tốt cho việc học hành của trẻ. Một trong những lợi ích lớn nhất của nó đó chính là đem đến niềm vui lành mạnh cho trẻ. Trong khi chơi đóng vai, nó cho phép trẻ thoát khỏi thực tại và những căng thẳng, khó chịu trong cuộc sống của trẻ.
Khi tham gia một trò chơi đóng vai, trẻ sẽ có cơ hội phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thực tế khi thực hiện lại các hành động mà trẻ đã nhìn thấy, kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề trong quá trình chơi.
Tăng khả năng giao tiếp và kết nối xã hội. Thật vui hơn khi trẻ có thể chơi trò chơi đóng vai cùng bố mẹ, người thân, hoặc bạn bè. Đây chính là điều kiện để trẻ có thể gia tăng kỹ năng giao tiếp, trò chuyện, phản biện và lắng nghe.
Bố mẹ nên khuyến khích con tham gia và tổ chức các trò chơi đóng vai. Có thể mua cho con 1 bộ đồ chơi bác sỹ, thiết lập 1 khu vực bếp đồ chơi để con làm đầu bếp hoặc đơn giản là chỉ bày những đồ chơi có sẵn để mở 1 cửa hàng bán đồ chơi…
5 bước cơ bản để thiết lập một trò chơi đóng vai thành công
Sau đây là 5 bước cơ bản để bố mẹ thiết lập và khuyến khích con tham gia 1 trò chơi đóng vai thành công.
1. Tìm chủ đề
Cần quan sát những gì mà bé thích và bị ảnh hưởng, có bé thích ô tô, búp bê, bé lại thích các con vật… Bởi vì trẻ con rất thích bắt chước người lớn, nên đơn giản là những trò chơi nấu ăn, làm bác sỹ, đi siêu thị cũng đủ cuốn hút bé.
VD: Cửa hàng bán kem
2. Phát triển chủ đề
Nghĩ ra các ý tưởng để phát triển tình huống. Cần đưa ra những vấn đề mà khiến cho trò chơi đóng vai phức tạp hơn, có nhiều cách khác nhau để giải quyết tình huống.
Ví dụ: – Khách hàng muốn mua loại kem không có sẵn
– Khách hàng không đủ tiền để trả
– Khách hàng muốn mua nhiều hơn số lượng có sẵn
3. Chuẩn bị dụng cụ
Yêu cầu trẻ cùng nhau thiết lập các đồ dùng cần cho trò chơi. Để bé tự suy nghĩ và lấy những gì mà bé cho có liên quan đến chủ đề đó.
Ví dụ: Với 1 cửa hàng bán kem thì cần các loại kem, bánh, quầy kem, tiền, xe để chở, túi đựng…
4. Phân vai
Nếu cha mẹ chơi với 1 trẻ, có thể để trẻ giành quyền phân vai. Và yêu cầu trẻ đổi vai sau 1 thời gian. Nếu nhiều trẻ chơi cùng nhau, cũng hãy để các bé đổi vai cho nhau sau 1 khoảng thời gian, để có sự trải nghiệm giống nhau công bằng.
5. Tham gia nhiệt tình
Hãy tham gia nhiệt tình trò chơi đóng vai cùng trẻ. Trong quá trình chơi hãy khuyến khích bé phát triển tưởng tượng thêm các tình huống khác nhau. Lồng ghép thêm nhiều kiến thức khác vào trò chơi, dạy bé về toán học cộng trừ trong lúc mua bán.
Ví dụ: bán kem thì có nên ăn nhiều kem không? Kem để bên ngoài tủ lạnh có bị chảy không? Tại sao lại như vậy…
Khuyến khích và tham gia trò chơi đóng vai cùng con chính là cơ hội gắn kết các thành viên trong gia đình. Sẽ thật tuyệt vời hơn khi bố mẹ tham gia vào trò chơi đóng vai. Tuy nhiên bố mẹ không nên ra lệnh cho trẻ là con phải chơi như thế này thế này, như thế kia mà hãy để trẻ dẫn dắt. Chỉ nên hướng dẫn cho trẻ những hướng đi đúng đắn và giải thích cho trẻ hiểu những tình huống phức tạp.