Những câu hỏi “Tại sao?” của trẻ dường như không bao giờ ngừng. Điều tốt nhất bạn nên làm đối với những câu hỏi “Tại sao?” bất tận này là gì? Chịu đựng nó hay phớt lờ? Nếu bạn đang đau đầu với vấn đề này thì hãy đọc bài viết này để hiểu rõ nguyên nhân khiến bé hay hỏi tại sao và các mẹo xử lý câu hỏi TẠI SAO của trẻ.
Tại sao trẻ hay hỏi TẠI SAO?
Từ hai tuổi rưỡi trở lên là trẻ đã bắt đầu có những câu hỏi về thế giới xung quanh để chúng tích lũy những kiến thức và tìm hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình.
Trong quá trình khám phá đó bé chưa đủ khả năng để giải thích các hiện tượng, sự vật do đó luôn đặt ra những câu hỏi Tại sao? Đôi khi những câu hỏi này khiến cho các cha mẹ “bối rối” bởi chính độ khó và vô tư của trẻ.
Trẻ nhỏ thì thường hay đặt các câu hỏi liên quan đến môi trường sống như: Cái cây mọc lên thế nào? Tại sao lá cây màu vàng? Tại sao mẹ phải đi làm?…
Những câu hỏi ấy đến một cách tự nhiên, vào thời điểm hiện tại, tức là vào lúc trẻ hỏi. Đôi khi những câu hỏi ấy ngộ nghĩnh, gây ngạc nhiên. Nhưng cha mẹ đừng vội cười hoặc phê bình trẻ vì như thế khiến cho trẻ không dám hỏi, chúng sẽ nghĩ chúng luôn sai và dần mất đi sự tự tin.
Để giúp các bố mẹ xử lý những câu hỏi TẠI SAO không ngừng của trẻ, mẹ Jay xin chia sẻ một số MẸO sau đây:
1. Hãy lắng nghe câu hỏi của bé
Khi lắng nghe câu hỏi của bé ta sẽ nhận ra rằng ngoài việc hỏi để mong nhận được lời giải đáp, bé còn có nhu câu hỏi để được giao tiếp, đặc biệt bé còn có một mong muốn thể hiện bản thân mình.
Trước khi trả lời bé, chúng ta hãy quan sát và đọc lại câu hỏi của bé phân loại được câu hỏi: bé muốn trả lời, bé muốn được giao tiếp hay bé muốn được khẳng định. Từ đó bố mẹ sẽ tìm hướng trả lời cho phù hợp.
2. Dùng câu hỏi để bắt đầu một câu chuyện khác
Hãy coi câu hỏi như một điểm khởi đầu có thể tạo nên một cuộc trò chuyện thú vị. Thay đổi chủ đề sang 1 hướng khác nếu bạn thấy câu hỏi của bé không phù hợp để trả lời.
3. Đặt câu hỏi ngược cho bé
Đối với những câu hỏi bé muốn được trả lời về các sự vật, hiện tượng, trước khi trả lời chúng ta nên đặt lại câu hỏi ngược “Tại sao lại như thế?” Đây chính là lúc cha mẹ cho bé thêm cơ hội để tự trả lời và cũng cho mình thời gian để giải đáp.
Với việc đặt câu hỏi ngược sẽ kích thích bé vận dụng những kinh nghiệm thực tế của mình. Nếu bé trả lời chưa đúng hoặc gần đúng, ta có thể khuyến khích bé tiếp tục suy nghĩ, gieo cho bé hứng thú tìm hiểu các sự vật hiện tượng.
4. Đừng vội trả lời bé ngay
Nếu thông thường khi trẻ hỏi thì cha mẹ sẽ trả lời ngay. Đừng nên vội vàng như thế vì sẽ khiến trẻ thụ động và ỉ lại. Sau này gặp bất cứ vấn đề gì trẻ sẽ hỏi luôn mà chưa cần suy nghĩ hay thử xem bản thân mình có giải quyết được không.
Khi trẻ hỏi bố mẹ hãy hỏi ngược lại “Nếu là con thì con sẽ làm như thế nào?” hay “Ý kiến của con thì sao?”. Phải khuyến khích trẻ nghĩ và đưa ra quan điểm của bản thân mình kể cả sai rồi sau đó bố mẹ mới phân tích và đưa ra cho trẻ câu trả lời.
5. Trả lời và truyền dạy kỹ năng giao tiếp
Với những câu hỏi để giao tiếp, bé sẽ không quan tâm nhiều tới câu trả lời mà chủ đích là được giao tiếp. Chúng ta hãy tranh thủ giao tiếp với bé, bằng nhiều phương pháp, như nhìn vào mắt bé, quan sát điệu bộ của bé… điều đó giúp cho bé nhạy cảm hơn.
Nhạy cảm là một năng lực đặc biệt của bé, nó là một thành tố giúp cho bé phát triển cả về trí tuệ và cảm xúc. Bé sẽ học được cả cách giao tiếp và khả năng lắng nghe, từ đó có nhiều cách để biểu đạt thông điệp của mình. Bé biết cảm nhận và giao hòa, nhìn nhận thế giới bằng cảm xúc nhiều hơn, khác với người lớn nhìn nhận thế giới bằng kinh nghiệm và bằng mục đích.
6. Nhờ trợ giúp
Nếu vấn đề trong khả năng của mình, hãy nhẹ nhàng từ tốn và hạ mình xuống ngang tầm với trẻ, dùng ngôn ngữ đơn giản để chia sẻ. Nếu vấn đề vượt quá khả năng của mình hãy tìm ‘trợ giúp’ như hỏi một người khác, tìm câu trả lời từ sách, báo, internet để đáp lại câu hỏi của trẻ. Nếu chúng ta không thể đáp ứng ngay, hãy hẹn trẻ trả lời sau và đảm bảo rằng bạn sẽ nhớ để trả lời. Điều đó vẫn tốt hơn là ‘phớt lờ’ sẽ khiến trẻ thất vọng.
7. Luôn tỏ thái độ nghiêm túc với câu hỏi của trẻ
Đúng là để trả lời được những câu hỏi “vì sao” của trẻ con thì rất khó, nhưng bố mẹ đừng vội tính đến việc trả lời được hay không. Bởi vì, việc cha mẹ cùng con suy nghĩ tìm ra câu trả lời là chắc chắn có thể làm được. Chính thái độ của bố mẹ sẽ trở thành nguồn động lực lôi kéo hứng thú, gia tăng tính ham học hỏi của con trẻ.
Có thể có người sẽ nói trẻ con làm gì đã hiểu được những khái niệm đó. Có nói thì đâu đã hiểu chứ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là trẻ hiểu hay không hiểu. Điều quan trong đối với trẻ là thái độ nghiêm túc của cha mẹ với câu hỏi của trẻ. Chính thái độ nghiêm túc đó sẽ truyền sang trẻ, để trẻ biết được là câu hỏi của mình có giá trị trả lời, đáng để trả lời, nhờ đó vòng tròn của lòng hiếu kỳ càng được mở rộng. Cách trả lời hời hợt, lừa dối theo nghĩa đen, sẽ chỉ mang lại cho trẻ cảm giác thất vọng, vì trẻ sẽ suy ra rằng câu hỏi của mình không phải là vấn đề đáng để được bận tâm, dẫn đến khả năng lòng ham muốn tìm tòi khám phá, trí tò mò của trẻ sẽ kết thúc ở đó.
Giai đoạn “Tại sao?” này sẽ không kéo dài lâu đâu, nhưng thái độ của bố mẹ với những câu hỏi của con sẽ mang lại ảnh hưởng rất lâu về sau.