Trí tò mò là điều mà đứa trẻ nào cũng có, tự nhiên ngay từ khi mới sinh ra. Trẻ sơ sinh từ 8 tháng tuổi đã bắt đầu để ý và tìm hiểu thế giới xung quanh mình. Lớn hơn một chút, bạn sẽ được nghe rất nhiều câu hỏi “Tại sao?” từ trẻ. Và đây chính là một điều tuyệt vời. trí tò mò là bản năng, nhưng nó cần được nuôi dưỡng để trẻ có thể tiếp tục duy trì tính tò mò, sự ham học hỏi suốt cuộc đời.
1. Lắng nghe mọi câu hỏi của trẻ
Bố mẹ hãy cố gắng trả lời mọi câu hỏi của trẻ để chúng cảm thấy sự tò mò của mình là có giá trị và quan trọng.
Đừng lo lắng khi nói rằng bạn không biết câu trả lời. Hãy khuyến khích bé tìm câu trả lời bằng cách tìm một người có chuyên môn, hoặc cùng nhau tìm kiếm nhờ Internet. Học cách tìm câu trả lời và thử mọi cách là những kỹ năng sống thực sự quan trọng xuất phát từ tính tò mò. Việc bạn khuyến khích trẻ tự tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi “Tại sao?” sẽ xây dựng sự tự tin của trẻ.
Mình cũng đã từng chia sẻ các mẹo để xử lý những câu hỏi Tại sao của trẻ ở bài viết này. Các bố mẹ có thể tham khảo nhé.
2. Đọc sách
Hãy đọc và đọc. Nếu con còn nhỏ, bạn hãy đọc to cho con nghe, khi con lớn hơn hãy tạo điều kiện để con được đọc nhiều loại sách khác nhau. Có thể đưa con đến thư viện, hiệu sách thường xuyên. Khám phá thế giới mới thông qua những cuốn sách là cách rất quan trọng để khuyến khích trẻ tò mò, tự học hỏi.
3. Gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người
Nếu có điều kiện hãy cho trẻ đi du lịch. Trẻ sẽ khám phá ra sự khác biệt giữa những người sống ở những nơi khác nhau trên đất nước hoặc những quốc gia khác.
Cũng không cần đi đâu xa, bé cũng có thể học được rất nhiều điều từ việc trò chuyện với những người hàng xóm, những người bạn ở trường- hãy khuyến khích con bạn hỏi chuyện mọi người về cuộc sống và sở thích. Từ đó sẽ khiến trẻ ham tìm hiểu hơn, thế giới của trẻ sẽ trở nên rộng lớn hơn, trí tò mò cũng nhờ đó mà được nuôi dưỡng.
4. Đưa trẻ đi chơi nhiều nơi
Thiên nhiên với không gian đa dạng bên ngoài là học liệu không thể tuyệt vời hơn để trẻ được phát huy trí tò mò của mình. Cây cối, hoa lá, côn trùng… cả một hệ sinh thái là nơi bé có thể quan sát, phát hiện ra các kiến thức lý thú, giúp bé hào hứng tìm hiểu về thế giới xung quanh.
Thông qua những chuyến đi chơi, trẻ còn tự mình tìm được câu trả lời cho cái sự tò mò mà nếu chỉ ở trong nhà bé sẽ chẳng thể lý giải nổi. Bố mẹ hãy đồng hành cùng con, là người hỗ trợ, gợi mở để con tự giải đáp các vấn đề mà con thắc mắc.
5. Theo dõi và khuyến khích trí tò mò của trẻ
Việc phải trả lời liên tục những câu hỏi “Tại sao?” có thể khiến bạn mệt mỏi. Nhưng đó là điều mà các bố mẹ cần khuyến khích và theo dõi mỗi ngày. Hãy đưa con bạn đi xem mọi thứ, thử những món ăn mới, khuyến khích chúng tìm hiểu sâu hơn về những thứ con bạn hứng thú.
Nếu bạn phát hiện con mình có hứng thú với vũ trụ, tò mò về các hành tinh thì hãy đưa con đến đài quan sát thiên văn, xem các chương trình truyền hình, video về chủ đề này. Nếu trẻ tò mò về cuộc sống của các loài động vật thì hãy đưa con đến sở thú, thủy cung. Hoặc cho con về trải nghiệm cuộc sống ở trang trại. Sở thích về một điều gì đó sẽ giúp trẻ phát huy trí tò mò và nỗ lực tìm hiểu. Nhiệm vụ của cha mẹ là hãy theo dõi trí tò mò của trẻ để từ đó khuyến khích trẻ đào sâu hơn nữa sự ham muốn tìm hiểu của mình.
Trẻ được sinh ra với trí tò mò, nhưng không có nghĩa chúng ta coi đó là điều hiển nhiên. Khi trẻ lớn lên, sự tò mò háo hức về thế giới xung quanh không còn nhiều nữa. Vì vậy, nếu trí tò mò của trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách, bé sẽ dần ít quan tâm tới những điều xung quanh và không còn muốn tò mò khám phá những điều mới lạ nữa.